Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với Hải Phòng về an toàn thực phẩm

18:33' - 24/04/2019
BNEWS Ngày 24/4 Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 4 đã kiểm tra một số đơn vị kinh doanh thực phẩm và làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận Kiến An và TP. Hải Phòng.

Tiếp tục chương trình làm việc theo kế hoạch, ngày 24/4 Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 4 do Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương Trần Hữu Linh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra một số đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hải Phòng và làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận Kiến An và TP. Hải Phòng.


Ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường tại buổi làm việc về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hải Phòng. Nguồn: Tổng cục Quản lý thị trường.

Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, nhằm triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, UBND TP Hải Phòng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc triển khai Tháng hành động tại 14 quận, huyện và một số xã, phường, thị trấn.

 Kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng các cơ sở nhỏ lẻ, dự kiến bắt đầu từ ngày mai 25/4.

Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong Tháng hành động và triển khai kiểm tra tại các cơ sở thuộc đối tượng được phân công quản lý.

Trong tháng 4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện An Dương, huyện Thủy Nguyên và 1 cơ sở tại huyện Cát Hải. Với tổng 13 cơ sở, lấy 14 mẫu, xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 6 triệu đồng.

Trong Tết Nguyên đán 2019, toàn thành phố đã tổ chức 250 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Đoàn đã kiểm tra trên 5.000 cơ sở; trong đó có 32 cơ sở vi phạm. 29 cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền trên 142 triệu đồng (tăng so với cùng kỳ năm ngoái). 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm, 4 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm do không có hạn sử dụng hoặc hết hạn sử dụng. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, tự công bố, vi phạm về nhãn mác, chất lượng thực phẩm…

Cùng với UBND thành phố, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm lưu thông trên thị trường, chú trọng các mặt hàng phục vụ nhiều trong dip cao điểm như: bia, rượu, các mặt hàng thực phẩm… xử lý nghiêm khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: nguồn Tổng cục Quản lý thị trường

Ngoài những kết quả đã đạt được, UBND TP Hải Phòng cũng nhấn mạnh đến những khó khăn mà Hải Phòng còn gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bởi lực lượng quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn mỏng.

Lực lượng cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, xã, phường hiện nay chưa thường xuyên được tập huấn các kiến thức pháp luật và chuyên môn về an toàn thực phẩm.

Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố thuộc đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, lực lượng lao động biến đổi thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý trong việc hướng dẫn và phổ biến pháp luật nên tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mặt khác, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm một số lĩnh vực chỉ dừng ở việc kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu mà không kiểm tra được các chỉ tiêu cụ thể do chưa có đầy đủ các thiết bị kiểm tra nhanh để có cơ sở lấy mẫu phân tích hàm lượng và làm cơ sở để xử lý theo quy định.

Chính vì vậy, UBND TP Hải Phòng đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cấp chứng chỉ về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm chuyên môn, quản lý.

Mặt khác, thống nhất quy định về các điều kiện bảo đảm, thủ tục hành chính giữa các lĩnh vực quản lý về an toàn thực phẩm của 3 Bộ: Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Cùng với đó, UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị ban hành quy định về các tiêu chí và phương pháp kiểm tra nhanh, tiêu chuẩn của các thiết bị kiểm tra nhanh đối với các chất không được phép sử dụng và hàm lượng các chất được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm theo lĩnh vực của các Bộ phân công.

Đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Chính vì vậy, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường, nhất là Cục Quản lý thị trường Hải Phòng phải chú trọng hơn vào nhiệm vụ này để loại bỏ những cơ sở kinh doanh kém chất lượng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục