Tp Hồ Chí Minh đề xuất hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động nghèo đang gặp khó khăn

20:37' - 21/08/2021
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến xuất hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động nghèo đang ở trọ, lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chiều 21/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có tờ trình khẩn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phức tạp kéo dài.

Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn đến tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp… khẩn trương rà soát kỹ và tổng hợp bổ sung hộ lao động nghèo và lao động tự do đang gặp khó khăn do thời gian giãn cách kéo dài để thực hiện chi hỗ trợ, đảm bảo độ phủ và đúng đối tượng.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn, trong trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo có thành viên trong hộ hưởng chính sách hỗ trợ lao động tự do theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố thì không hưởng tiếp chính sách hỗ trợ lần này. Việc hỗ trợ lao động tự do (đợt 2) phải đảm bảo đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố.

Việc chi hỗ trợ lần này không phân biệt số người trong hộ, không phân biệt thường trú hay tạm trú, thành phần nghề nghiệp là công nhân, lao động nghèo hay sinh viên học sinh khu ở trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực phong tỏa… Tuy nhiên, việc chi hỗ trợ phải đảm bảo không trùng lắp, nhưng cũng không bỏ sót người, không để người dân bị thiếu đói, không để hộ đang có khó khăn mà không được hỗ trợ.

Trước đó, nhiều trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, người lao động lao động nghèo đang sinh sống ở các khu lưu trú, nhà trọ, xóm nghèo phản ảnh tình trạng không được lập danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố; hoặc lập danh sách từ đợt hỗ trợ lần thứ nhất nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được nhận hỗ trợ khiến cuộc sống thêm khó khăn nên nhiều người có ý định về quê...

Từ thực tiễn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã tổng hợp ý kiến của Ủy ban nhân dân 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức và ghi nhận phát sinh nhiều đối tượng hơn so với dự kiến ban đầu cần được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 phức tạp và kéo dài.

Trong đó, phần nhiều là công nhân, lao động, sinh viên học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do dịch bệnh phải ngừng việc, mất việc..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục