Tp. Hồ Chí Minh điều phối nhu yếu phẩm đến phường, xã

17:22' - 29/07/2021
BNEWS Chính quyền TP Thủ Đức và các quận, huyện phát phiếu đi chợ, bán hàng lưu động, tái cấu trúc lại hoạt động thương mại... để đảm bảo dân Tp. Hồ Chí Minh không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng đồng thời linh động hoạt đồng điều phối nhu yếu phẩm đến địa bàn dân cư. Theo đó, chính quyền thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã tổ chức phát phiếu đi chợ, bán hàng lưu động, tái cấu trúc lại hoạt động thương mại... để đảm bảo người dân tại Tp. Hồ Chí Minh không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Tố Quyên, cư ngụ tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, gia đình vừa nhận được phiếu đi mua nhu yếu phẩm do cán bộ phường phát và hướng dẫn rõ quy định sử dụng. Bên cạnh đó, trên mỗi phiếu này cũng có thông tin chi tiết về cách sử dụng như 1 phiếu chỉ cho 1 gia đình, 1 gia đình chỉ 1 người đi mua và đi mua trong khung giờ quy định trên phiếu. Khi sử dụng phiếu đi mua nhu yếu phẩm, người dân phải cung cấp đầy đủ thông tin vào phiếu, gồm địa chỉ nhà, số điện thoại, họ tên người đi mua...

Theo chị Tố Quyên, việc sử dụng đi mua nhu yếu phẩm sẽ góp phần giãn cách hoạt động mua sắm, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, mỗi người dân sẽ an tâm hơn khi thời điểm đi mua sắm đã được hạn chế số lượng người và tránh tập trung người tại điểm bán lẻ.

Tương tự, ghi nhận ý kiến nhiều người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như quận 3, 7, Bình Thạnh, Tân Bình; huyện Bình Chánh, Hóc Môn... cũng cho biết, đã nhận được phiếu đi mua nhu yếu phẩm từ phường, xã trong những ngày đây. Vì vậy, người dân không còn tâm lý tích trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và quan ngại việc không được đi mua sắm được nhu yếu phẩm cho gia đình.

Song song với hoạt động thực hiện phiếu đi mua nhu yếu phẩm cho người dân trên toàn địa bàn, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Sở Công Thương thành phô phối hợp liên ngành tăng cường giải pháp đưa nhu yếu phẩm vào khu dân cư. Theo đó, Chương trình bán hàng bình ổn qua đa dạng mô hình như xe buýt, chợ nghĩa tình, chợ 0 đồng, bán hàng lưu động luân phiên, sàn thương mại điện tử... đã cho thấy hiệu quả sau một thời gian ngắn triển khai.

Những mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng mỗi ngày, đồng thời không chỉ có sự tham gia của nhà bán lẻ, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh... mà thu hút sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh... Đặc biệt, ngoài những mặt hàng trong danh mục Chương trình bình ổn thị trường của Tp. Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị tổ chức còn bổ sung thêm phong phú nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm đủ dùng tại một điểm bán.

Trong khi đó, hầu hết nhà bán lẻ tại kênh phân phối hiện đại cũng áp dụng đa dạng phương thức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân, nhất là tại những khu vực bị phong tỏa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Điển hình, MM Mega Market đưa vào thực hiện thí điểm Chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly và phong tỏa.

MM Mega Market gửi đến người dân trong khu vực phong tỏa và cách ly y tế đường link đặt hàng, thông qua email hoặc tin nhắn zalo, facebook hoặc gọi trực tiếp số điện thoại hotline 1800 799 998. Người dân sẽ được chọn lựa đặt hàng với các “Combo” hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu được thiết kế đa dạng và phù hợp và có thể sử dụng cho một gia đình khoảng 4 người trong vòng khoảng 5 – 7 ngày. Giá cả sản phẩm được bình ổn và chất lượng đảm bảo trong suốt thời gian thực hiện chương trình.

Còn đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đang có phương án tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu nhanh nhất có thể đến các khu dân cư, khu cách ly, phong tỏa... theo phương thức mua chung. Phương thức này nhằm giải quyết khó khăn hiện nay trong khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân. 

Cụ thể, do quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt shipper tắt app không nhận đơn vận chuyển dẫn đến việc giao hàng cho khách của hầu hết đơn vị bán hàng online gặp khó khăn. Hiện tại, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... cũng đang áp dụng phối hợp các hình thức pick & ship, phiếu mua hàng... để điều tiết lượng khách hàng vào siêu thị vừa phải, đảm bảo 5K của Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề shipper tắt app không nhận đơn vận chuyển hàng hóa tại Tp. Hồ Chí Minh, đại diện Gojek cho hay, hiện dịch vụ đặt nhu yếu phẩm qua GoFood và dịch vụ đặt giao hàng hóa thiết yếu GoSend trên địa bàn thành phố chỉ nhận đơn hàng trong khung giờ từ 6 giờ đến 17 giờ mỗi ngày.

Ngoài ra, Gojek tạm ngừng cung cấp dịch vụ GoSend và GoFood trong trường hợp địa chỉ nhà hoặc địa chỉ nơi cung cấp nhu yếu phẩm thuộc khu vực bị phong tỏa theo quy định của Tp. Hồ Chí Minh. Các dịch vụ GoSend và GoFood cũng sẽ giới hạn hoạt động trên địa bàn một quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong giai đoạn khó khăn này, Gojek không tăng giá cước vận chuyển trong giai đoạn giãn cách xã hội. Giá cước của Gojek được tính toán bằng thuật toán, dựa trên cơ sở cân bằng cung - cầu trên thị trường tại từng thời điểm.

Đặc biệt, nhằm chia sẻ những khó khăn do đối tác bị ảnh hưởng thu nhập, Gojek đã thực hiện cộng thêm trực tiếp vào mỗi đơn hàng 10.000 đồng đối với đơn GoFood và 5.000 đồng đối với đơn GoSend. Bên cạnh đó, Gojek tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tác tài xế và khách hàng tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng ngừa và bảo vệ khi thực hiện hay sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương sẽ phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố và lực lượng liên ngành theo dõi, bám sát và tháo gỡ khó khăn trong việc một số địa phương đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực, thực phẩm, nên những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đối với cá nhân có thể chưa được tạo thuận lợi trong việc vận chuyển.

Đồng thời, giải quyết tình trạng shipper bị các chốt kiểm soát chặn hay xử phạt vì bị xác định vận chuyển hàng hóa không thiết yếu ra khỏi địa bàn phường, quận, huyện, thành phố Thủ Đức...

Cụ thể, thời gian hoạt động đối với đội ngũ shipper được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Đối với shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung... thì được phép di chuyển liên quận, huyện, thành phố Thủ đức.

Để đảm bảo điều kiện lưu thông trên đường, shipper phải tuân thủ quy định tại công văn số 2522/UBND-VX, ngày 28/7 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, về kiểm soát việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục