Tp Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper

20:52' - 21/09/2021
BNEWS Từ ngày 22/9, Tp Hồ Chí Minh sẽ dừng xét nghiệm cho shipper tại trạm y tế, chuyển sang phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm cho các shipper trực thuộc.

Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi cách tổ chức xét nghiệm cho shipper, điều tra việc quảng cáo bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng, là những nội dung được quan tâm tại cuộc họp báo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 21/9.
* Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đến ngày 30/9, tiến tới quản lý kết quả xét nghiệm của lực lượng giao hàng (shipper) bằng công nghệ, Ủy ban nhân dân Thành phố vừa ban hành Công văn khẩn số 3120/UBND-ĐT chỉ đạo một số nội dung liên quan công tác xét nghiệm cho các shipper.
Theo đó, kể từ ngày 22/9, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dừng xét nghiệm cho shipper tại trạm y tế, chuyển sang phát bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm cho các shipper trực thuộc.

Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của doanh nghiệp, shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, thực hiện 3 ngày/lần.
Trước khi triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu từ ngày 22/9 đến hết ngày 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cách sử dụng cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị để lưu thông trên đường.

Từ ngày 24/9 đến hết ngày 30/9, các doanh nghiệp bắt đầu tổ chức xét nghiệm cho shipper và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức và kết quả xét nghiệm. Trường hợp có shipper không đáp ứng đủ các điều kiện như trên sẽ không được tham gia hoạt động.
Trước đó, từ ngày 16/9, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép lực lượng shipper giao hàng liên quận với điều kiện đã tiêm vaccine, đăng ký với Sở Công Thương Thành phố và thực hiện xét nghiệm ít nhất hai ngày một lần. Tuy nhiên, những ngày qua, nhiều điểm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho shipper bị quá tải khiến hàng trăm shipper xếp hàng dài chờ đến lượt xét nghiệm, không đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
* Điều tra việc quảng cáo bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng

Liên quan đến thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện việc gói thuốc C điều trị COVID-19 được rao bán trên mạng, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong gói thuốc C có thuốc kháng virus Molnupiravir được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của ngành y tế.

Người sử dụng thuốc này phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng thuốc và được cơ sở y tế địa phương theo dõi rất chặt về diễn biến sức khỏe trong thời gian dùng thuốc.
Tại một số địa bàn trọng điểm, bệnh nhân COVID-19 sử dụng gói thuốc C được nhóm chuyên gia của Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 5 và thứ 7 hàng tuần để đánh giá diễn tiến của bệnh khi dùng thuốc, sau khi khỏi bệnh mà thuốc còn dư sẽ phải trả về Sở Y tế để quản lý.

“Thời gian qua, khi triển khai cấp các gói thuốc A, B, C để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Sở Y tế đã thành lập 8 đoàn để kiểm tra việc phát thuốc. Đối với thông tin về việc bán gói thuốc C rao bán trên mạng, Sở đã ban hành văn bản nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý gói thuốc C. Thanh tra Sở Y tế cùng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm hiểu, điều tra, khi có kết quả sẽ thông tin với báo chí", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Về việc hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19 có vấn đề về tâm lý hoặc mắc bệnh tâm thần, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, để giải quyết vấn đề tâm lý cho các bệnh nhân COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở chuyên khoa là Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, nếu bệnh nhân COVID-19 được xác định có vấn đề tâm lý, các bác sỹ điều trị sẽ hội chẩn với bác sỹ tại Bệnh viện Tâm thần Thành phố để phối hợp điều trị. Đến nay, Bệnh viện Tâm thần Thành phố đã nhận được thông tin từ hơn 70 cơ sở điều trị có bệnh nhân COVID-19 có vấn đề về tâm lý. Các bác sỹ chuyên khoa đã tới tận nơi để theo dõi, điều trị và cấp thuốc cho số bệnh nhân này.
* Phát hiện 607 người nghi mắc COVID-19 qua ứng dụng VNEID

Về nội dung liên quan phát hiện các trường hợp nghi mắc COVID-19 lưu thông qua các chốt kiểm soát, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thông qua ứng dụng VNEID (một ứng dụng dùng để khai bao y tế và di chuyển nội địa), Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 607 lượt nghi nhiễm đi qua các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố.

Sau khi rà soát lại, Công an Thành phố đã phân tích được 406 người trùng dữ liệu do di chuyển qua nhiều chốt.
Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác minh, ghi nhận được 199 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, còn 2 trường hợp đang tiếp tục xác minh. Trong 199 trường hợp, có 112 trường hợp là người mắc COVID-19, trong đó 78 người đã được cách ly tại nhà, 34 trường hợp được đưa đi cách ly tập trung.

Trong số 87 người còn lại, có 52 người qua xác minh không mắc COVID-19 và có 35 người xác định có mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến cho hay, có 69 trường hợp trong 199 trường hợp trên, trước đó đã được cấp giấy đi đường, 49 trường hợp không có giấy đường, 81 trường hợp được được miễn cấp giấy đi đường.

Sau khi phát hiện người mắc COVID-19 di chuyển qua chốt, cơ quan chức năng đã thu hồi 11 giấy đi đường và tiếp tục tổ chức thu hồi đối với các trường hợp không thuộc diện được cấp giấy. Bên cạnh đó, có 31 trường hợp được xác định không thuộc diện phải thu hồi.
Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn cụ thể với các chốt, trạm kiểm soát trong trường hợp ghi nhận có người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 di chuyển qua. Cụ thể, đối với chốt, trạm có nhân viên y tế, lực lượng này sẽ lập tức thực hiện khử khuẩn, điều tra dịch tễ và liên hệ cơ quan chức năng địa phương để đưa người nhiễm về cơ sở y tế.

Đối với những chốt, trạm không có nhân viên y tế, lực lượng chức năng sẽ thông báo cho cơ quan chức năng địa phương tiến hành thu hồi ngay giấy đi đường. Các chốt sau đó sẽ báo cáo ngay về trung tâm chỉ huy để điều động lực lượng y tế đến hỗ trợ, xác minh, điều tra dịch tễ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục