Tp Hồ Chí Minh triển khai gói hỗ trợ thứ 3 với tổng kinh phí 7.300 tỷ đồng

07:50' - 21/09/2021
BNEWS Gói hỗ trợ thứ 3 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người sẽ được triển khai theo nguyên tắc tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động gặp khó khăn.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 3 với tổng kinh phí 7.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Đây là nội dung chính được đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố ngày 20/9.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, người dân đã khó khăn ngày càng khó khăn hơn do mất việc làm, không có thu nhập.

Do đó, ngoài các gói cứu trợ an sinh xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức, cá nhân, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục triển khai phương án hỗ trợ đợt 3, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn bức bách của người dân.

Theo thống kê, báo cáo từ Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, trong thời gian tới trên địa bàn Thành phố sẽ có khoảng 53.483 hộ nghèo và hộ cận nghèo (với khoảng 210.178 nhân khẩu), người đang lưu trú tại Thành phố gặp khó khăn; với tổng số người dân cần hỗ trợ là hơn 7,3 triệu người.

Ông Võ Văn Hoan cho biết, gói hỗ trợ thứ 3 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người sẽ được triển khai theo nguyên tắc tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động gặp khó khăn đã được hỗ trợ đợt 1, đợt 2 và cập nhât, bổ sung những trường hợp thật sự khó khăn mới.

Cụ thể, 4 nhóm đối tượng được hỗ trợ trong đợt 3 bao gồm: (1)Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn; (2) người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập, trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn;

(3) người phụ thuộc của đối tượng (2) gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách;

(4) người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Các nhóm đối tượng được hỗ trợ sẽ bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương.

Người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được doanh nghiệp trả lương của tháng 8 /2021 không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

“Mục tiêu cuối cùng của Thành phố là hỗ trợ một cách sâu sát, thiết thực, công bằng, minh bạch và phủ được rộng nhất các đối tượng khó khăn. Vì vậy, quá trình rà soát, lập danh sách, tổ chức thẩm định danh sách người được hỗ trợ và phê duyệt phải đảm bảo nguyên tắc chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lặp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú, không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Liên quan đến việc ùn ứ tại các điểm xét nghiệm cho shipper trong ngày 20/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận có tình trạng trên do số lượng shipper đăng ký hoạt động tăng cao đột biến.

Cụ thể, những ngày trước toàn Thành phố chỉ có khoảng 24.000 shipper đăng ký hoạt động, việc xét nghiệm COVID-19 được giao cho các tổ y tế lưu động của phường, xã đảm nhận và thời gian xét nghiệm giới hạn từ 5 giờ đến 6 giờ sáng hằng ngày.

Tuy nhiên, trong 2 ngày gần đây, số shipper đăng ký hoạt động trở lại tăng vọt, hiện tại đã lên tới 82.000 người, khiến các tổ y tế lưu động quá tải.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, để nhanh chóng giải quyết tình trạng trên, Sở Công Thương đã phối hợp Sở Y tế và các quận, huyện thống nhất tổ chức xét nghiệm cho shipper tại tất cả các các trạm y tế cơ sở trên địa bàn Thành phố (gồm hơn 300 trạm y tế phường, xã và 500 tổ y tế lưu động), không yêu cầu phải xét nghiệm tại phường, xã shipper cư trú. Thời gian thực hiện xét nghiệm cũng được kéo dài từ 6 giờ sáng đến 21 giờ hằng ngày.

“Số lượng shipper hoạt động trở lại tăng cao cũng đồng nghĩa với với việc hàng chục ngàn người có việc làm trở lại, giảm gánh nặng an sinh cho Thành phố, đồng thời giải quyết được lượng lớn đơn hàng tồn đọng, giúp việc cung ứng hàng hóa cho người dân Thành phố thuận tiện, nhanh chóng hơn trước rất nhiều”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục