Tp. Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh

14:37' - 13/12/2019
BNEWS Một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia các hợp đồng đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế là không xác minh rõ chủ thể hợp tác với chủ thể ký hợp đồng.
Ông Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng Đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh Xuân Anh - TTXVN

Ngày 13/12, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố về những vấn đề cần lưu ý trong hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam đang có hai động lực lớn để phát triển là hội nhập và cải cách hành chính. Nhờ đó những năm gần đây đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài Việt Nam.

Các doanh nghiệp đánh giá thuận lợi khi đầu tư tại Việt Nam hiện nay là giá lao động vẫn còn cạnh tranh và giàu tài nguyên, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức như cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ, chi phí logistics cao và một phần cơ chế chính sách chưa nhất quán thiếu ổn định.

Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài cũng xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc, tranh chấp.

Theo ông Châu Việt Bắc, quá trình hội nhập đã giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài khá lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm được nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng  bắt đầu có định hướng đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia các hợp đồng đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế là không xác minh rõ chủ thể hợp tác với chủ thể ký hợp đồng, thiếu kỹ năng thẩm định các điều khoản đi cùng mà chỉ tập trung vào lợi ích thương mại trước mắt nên khi có tranh chấp thường yếu thế.

Liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh, bà Hoàng Kim Nguyên, Trưởng phòng Tư vấn Thuế Công ty TNHH tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nêu vấn đề, khi doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư ở nhiều dự án khác nhau thì có được quyền chuyển nhượng lại một hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư khác hay không và cần những thủ tục nào.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, ông Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng Đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc chuyển nhượng dự án đang trong quá trình đầu tư là vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quan tâm thời gian qua.

Pháp luật hiện nay quy định, nếu là dự án bất động sản thì thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư cũng quy định trình tự thủ tục chuyển nhượng dự án ở địa phương nào thì  chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng của tỉnh, thành phố đó, Sở Xây dựng thẩm định các điều kiện và trình UBND cấp tỉnh/thành phố xem xét cho chuyển nhượng hay không.

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn tách hoặc sáp nhập dự án thì Luật Đầu tư chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tùy vào trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng  có thể vận dụng các quy định về điều chỉnh tăng, giảm quy mô vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Thanh Lan, Giám đốc Tài chính Công ty HBP đặt câu hỏi tại hội nghị. Ảnh Xuân Anh - TTXVN

Đại diện Công ty Sơn KOVA bày tỏ, quy trình thực hiện thủ tục góp vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và vênh nhau khiến doanh nghiệp khó khăn. Cụ thể, trong khi ngành thuế quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi hai bên ký hợp đồng mua bán doanh nghiệp phải làm thủ tục nộp thuế.

Nhưng, ngân hàng lại có quy định phải sau 10 ngày từ khi ký kết hợp đồng mới được mở tài khoản ngân hàng và 5 ngày sau mới được thực hiện giao dịch chuyển tiền. Vậy, doanh nghiệp lấy tiền đâu để đóng thuế?

Một vấn đề khác là hiện nay pháp luật quy định với hợp đồng đầu tư, góp vốn sau 90 ngày nếu nhà đầu tư chưa chuyển tiền thì hợp đồng đó bị vô hiệu hóa và doanh nghiệp chưa được góp vốn phải tuyên bố phá sản, nếu muốn tiếp tục góp vốn phải thành lập một công khác.

Trong khi đó, với 90 ngày nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể hoàn tất thủ tục xin phép đầu tư của nước mình và chuẩn bị nguồn tài chính lớn.

Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Phạm Trung Kiên cho biết, trước đây mỗi ngân hàng có chính sách khác nhau về thời gian mở tài khoản cho doanh nghiệp mới thành lập dẫn đến độ vênh với quy định của ngành thuế trong việc thực hiện các giao dịch, nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 72/2017/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc sử dụng các khoản thu.

Đối với quy định đầu tư, góp vốn trong vòng 90 ngày, ông Kiên cho rằng đó cũng là vấn đề khó khăn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài phản ánh, tuy nhiên quy định này cũng giúp doanh nghiệp nhận đầu tư, góp vốn có thể kiểm soát việc thực thi hợp đồng đầu tư, góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp xác định khó khăn do điều kiện khách quan, doanh nghiệp có thể liên hệ cơ quan quản lý để được hướng dẫn làm thủ tục gia hạn thời gian đầu tư hoặc chia nhỏ mức đầu tư theo từng giai đoạn.

Riêng với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Trung Kiên cho biết việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thủ tục xin phép cũng đã được đơn giản hóa.

Tuy nhiên, đây là hoạt động chuyển số tiền lớn ra nước ngoài nên các cơ quan chức năng cần có thời gian thẩm định dự án để tránh các trường hợp rửa tiền, ủng hộ khủng bố….

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh những bất cập liên quan đến việc xin giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài và chính sách xuất toán thuế của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị đến các cơ quan quản lý trực tiếp để có câu trả lời cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục