Bước chuyển mình của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

21:22' - 12/12/2019
BNEWS Trong 9 tháng qua, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đạt khoảng 173.911 tỷ đồng.
Ban chấp hành Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam nhiệm kỳ IV ra mắt đại hội. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

“Trong 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước đầu có những bước chuyển mình phát triển, tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô thị trường mới chỉ đạt 9,5% GDP tính đến cuối tháng 6/2019”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tại Đại hội nhiệm kỳ IV của VBMA, tổ chức chiều 12/12, tại Hà Nội.


Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, trong 9 tháng năm 2019, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công đạt khoảng 173.911 tỷ đồng. Hiện tại, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản là nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu trên thị trường. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các ngân hàng thương mại tăng cao là để đáp ứng yêu cầu tăng vốn cấp II nhằm đẩy nhanh quá trình áp dụng Basel II (Phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).
Những năm trước, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thường có kỳ hạn từ 1-3 năm. Tuy nhiên năm 2019, các doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên để huy động vốn, nâng kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp lên mức 5 năm và phần lớn các đợt phát hành này có lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi một năm của một hoặc một số ngân hàng thương mại trong nước cộng với biên độ từ 2 - 4%; có rất ít đợt phát hành với lãi suất cố định. Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng năm nay trung bình khoảng 9,74%/năm.
“Như vậy chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển thị trường vốn giúp doanh nghiệp huy động vốn từ thị trường, giảm áp lực cho kênh tín dụng ngân hàng”, ông Quỳnh nói.
Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ trong những năm vừa qua cũng có sự phát triển mạnh về quy mô, sản phẩm, tổ chức thị trường.
Toàn cảnh đại hội. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Tính đến cuối tháng 9/2019, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên GDP đạt khoảng 28%; trong đó, riêng danh mục trái phiếu Kho bạc Nhà nước đã tăng khoảng 7 lần so với năm 2009, với kỳ hạn đáo hạn trung bình là gần 12,74 năm so với 8,71 năm 2016. Quy mô trung bình của các đợt phát hành trái phiếu đã tăng đáng kể từ 220 tỷ đồng/mã phát hành năm 2010 lên quy mô trung bình đạt 5.502 tỷ đồng/mã năm 2016 và 9.300 tỷ đồng/mã năm 2019.
Nhìn chung, lãi suất trúng thầu trung bình trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp có xu hướng giảm nhanh trong giai đoạn 2017 – 2018, tăng mạnh vào cuối năm 2018 và tiếp tục giảm trong năm 2019. Sau hơn 2 năm, dải lãi suất dao động trung bình giảm từ 4,90-7,25% xuống 3,61-5,70%; trong đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm có mức giảm lớn nhất, từ 7,25% (trung bình năm 2017), xuống còn 5,70% (trung bình 3 quý đầu năm 2019).
Thanh khoản thị trường có những bước tiến lớn, tổng giá trị giao dịch năm 2018 tăng gấp gần 1,4 lần so với năm 2016. Tổng giá trị giao dịch mua bán thông thường (outright) và mua bán lại (repo) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong 9 tháng năm 2019 đạt 1.622.178 tỷ đồng, bình quân đạt khoảng 5.942 tỷ đồng/phiên.
Tại đại hội, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cũng nêu lên những thách thức và tồn tại đối với thị trường trái phiếu Việt Nam và trong hoạt động của VBMA. Theo đó, thị trường trái phiếu trái phiếu Chính phủ đã tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên việc triển khai hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu (PD) còn chậm, cơ chế cho vay chứng khoán chưa được triển khai và đặc biệt là việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả còn là thách thức đối với Việt Nam.
Ông Quỳnh cho rằng, hiện nay có những khó khăn và chậm trong việc nâng cao năng lực thể chế của VBMA. Luật pháp ở Việt Nam chưa giao quyền tự quản cho các hiệp hội như ở các nước khác mà các quyền này đều nằm tại cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực và trên thế giới, các hiệp hội được giao quyền và quyền này quy định trong luật, từ đó giúp cho hiệp hội thể hiện được vai trò, tận dụng được nguồn lực từ thị trường giúp phát triển thị trường.
Vì thế theo ông Quỳnh, cần sự cam kết và thống nhất liên kết giữa các thành viên trong việc triển khai áp dụng các chuẩn mực của thị trường do hiệp hội ban hành. Do đặc thù hoạt động, Hiệp hội khi ban hành các chuẩn mực do không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền giám sát và phạt thành viên trong việc tuân thủ, vì thế sự cam kết mạnh mẽ từ thành viên hiệp hội là vô cùng quan trọng.
Tại đại hội, ông Nguyễn Việt Anh, Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ III VBMA cho biết, VBMA hoạt động với các chức năng của một Hiệp hội Thị trường trái phiếu chuyên nghiệp và là một cộng đồng chuyên nghiệp với tiêu chuẩn cao trên thị trường trái phiếu Việt Nam.
Mục đích hoạt động của VBMA là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các công cụ nợ khác tại Việt Nam (gọi chung là thị trường trái phiếu); đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và thúc đẩy sự hợp tác giữa các hội viên vì sự phát triển của thị trường trái phiếu trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ IV, VBMA sẽ tập trung triển khai các hoạt động tham gia hiệu quả vào sự phát triển của thị trường vốn theo chiều sâu, thúc đẩy sự gắn kết hiệu quả giữa thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường các sản phẩm tài chính phái sinh, thị trường cổ phiếu…
Hoạt động của VBMA trong nhiệm kỳ mới sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả; tiếp tục nâng cao năng lực thể chế của hiệp hội về bộ máy tổ chức, nhân sự, tài chính, cơ chế quản lý hoạt động để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường; đẩy mạnh tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, hiệp hội nước ngoài trong việc phát triển và quảng bá hoạt động của thị trường trái phiếu Việt Nam; hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo về thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới VBMA nhiệm kỳ IV gồm 23 thành viên là đại diện đến từ các ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán... Bà Nguyễn Thị Kim Oanh tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch VBMA nhiệm kỳ IV./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục