Tp. Hồ Chí Minh tạo sức bật từ dự án đột phá - Bài 1: Những dự án mở giao thương

11:11' - 17/06/2023
BNEWS Đường sá xuống cấp, kẹt xe, ngập lụt khi mưa lớn… là tình trạng chung ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. 
Kể từ sau những “siêu” dự án như Hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương…  Tp. Hồ Chí Minh thiếu vắng những công trình giao thông trọng điểm tạo điểm nhấn. Các dự án đầu tư xã hội mang tính đột phá cũng vắng bóng trên địa bàn. Điều này không chỉ khiến thành phố nhiều năm qua chỉ loay hoay trong việc chống ngập, giảm kẹt xe… trong khi vai trò “đầu tàu kinh tế cả nước” của Tp. Hồ Chí Minh lại có xu hướng ngày càng suy giảm.

Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành những dự án đột phá cùng cơ chế tự chủ tài chính mạnh hơn khi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh được thông qua được xem đóng vai trò rất quan trọng cho sự bứt phá kinh tế cũng như củng cố vị thế đầu tàu của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Bài 1: Những dự án mở giao thương

Đường sá xuống cấp, kẹt xe, ngập lụt khi mưa lớn… là tình trạng chung ở nhiều tuyến đường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ khắc phục phần nào khi một loạt dự án giao thông trọng điểm đang được UBND Tp. Hồ Chí Minh tập trung lên kế hoạch thực hiện. Đây được xem là bước đệm quan trọng để thành phố triển khai các dự án đột phá cũng như thu hút đầu tư.

Loạt dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công

Theo kế hoạch, ngày 18/6, dự án xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua Tp. Hồ Chí Minh sẽ chính thức được khởi công xây dựng sau nhiều năm lên kế hoạch chuẩn bị. Đường Vành đai 3 là tuyến đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, do đó có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tuyến đi qua.

Công trình cũng là một trong 33 dự án giao thông trọng điểm được UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định cần phải tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay và trung hạn, nhằm tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố và khu vực lận cận. Việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 3 cho thấy sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng công trình trọng điểm này.

Bên cạnh dự án đường Vành đai 3, một loạt công trình giao thông trọng điểm khác mang tính chất liên kết vùng cũng nằm trong danh sách 33 dự án trên. Trong số đó, có thể kể đến các dự án như Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài; Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Dự án đường Vành đai 4; Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13…

Ở trong khu vực nội đô thành phố, một loạt dự án trọng điểm, cấp bách để giải quyết ùn tắc giao thông cũng đang được Tp. Hồ Chí Minh gấp rút chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thực hiện.

 
Đáng kể, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng hoà đang được xây dựng với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng với tuyến đường chính rộng 25 - 48m gồm 6 làn xe cùng 2 đoạn đường nhánh kết nối một cầu cạn dài gần một km, 4 làn xe; hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Tuyến đường nối này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông trực tiếp cho nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất cũng như giải quyết triệt để nút thắt ách tắc ở khu vực sân bay. Dự kiến sẽ hoàn thành tháng 8/2024.

Nút giao thông An Phú, nút giao thông Mỹ Thủy, mở rộng nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ Quận Bình Thạnh đến Công viên Văn Hóa), các tuyến đường sắt đô thị, các dự án hạ tầng phục vụ phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – Tp. Thủ Đức… được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt hạ tầng khu vực nội đô cho Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới khi các dự án này được thực hiện.

Ngoài ra, các dự án kết nối khu – cụm công nghiệp và khu chế xuất, cảng biển như đường Vành đai 2, Quốc lộ 50, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, cảng cạn ICD Củ Chi…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, với hiện trạng phát triển hiện nay của Tp. Hồ Chí Minh thì các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thực thi một cách có hệ thống. Đặc biệt là dự án đường Vành đai 3, hay tuyến đường Cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án chống ngập… bị đình trệ nhiều năm cũng cần đẩy nhanh triển khai trở lại. Bởi việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

Việc Tp. Hồ Chí Minh triển khai một loạt các dự án giao thông trọng điểm được xem là tiền đề để thành phố kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực, cũng như nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh, góp phần giảm ách tắc giao thông ở Tp. Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo không gian phát triển mới để Tp. Hồ Chí Minh khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được thực hiện.

Thêm những dự án đột phá

Thực tế, việc Tp. Hồ Chí Minh tập trung triển khai một loạt các dự án giao thông trọng điểm nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng là hết sức cần thiết trong bối cảnh GRDP của thành phố có xu hướng tăng chậm lại trong thời gian gần đây. Nếu so sánh Tp. Hồ Chí Minh với các thành phố trực thuộc Trung ương khác, có thể thấy rõ hạ tầng giao thông của thành phố chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như chưa tương xứng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Trong báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Bên cạnh đó, những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu đồng bộ; quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng…

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế trong suốt 15-20 năm qua, Tp. Hồ Chí Minh chưa có được sự thay đổi căn bản. Thành phố đề xuất nhiều mô hình, giải pháp hay nhưng ít được áp dụng. Trong khi đó, kinh tế thành phố có dấu hiệu suy yếu về vị thế, dù nội lực vẫn dồi dào. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng như giao thông, ngập nước... không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên; những động lực mới không được đưa ra. Do đó, để củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp. Hồ Chí Minh phải tạo ra đột phá, động lực mới.

Bên cạnh việc giải quyết các điểm nghẽn hạ tầng giao thông, vị chuyên gia này cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần triển khai các dự án mang tính đột phá cùng với sự đột phá về thể chế.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng Tp. Hồ Chí Minh phải có những dự án đột phá, biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước này. Thành phố có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm hội chợ thương mại quốc tế. Các dự án này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh phải là nơi thu hút để có những "đại bàng" trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia; trong đó, có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Bởi nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá. Riêng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với dự án này có thể sẽ là một trung tâm phi thuế quan gắn với cảng… để tạo sức bật cho Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới./.

>>>Bài cuối: Giải bài toán vốn từ cơ chế mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục