Tp Hồ Chí Minh thu hẹp các bệnh viện dã chiến theo lộ trình​​

20:18' - 21/10/2021
BNEWS Giám đốc Sở Y tế Tp HCM nói: "Sắp tới, định hướng của ngành y tế sẽ thu hẹp dần các bệnh viện dã chiến theo lộ trình".

Hoạt động hàng quán, các chợ truyền thống, tình hình giao thông vận tải, đánh giá cấp độ dịch theo khu vực, gói hỗ trợ an sinh, tỷ lệ tiêm vaccine... là các nội dung nổi bật được đưa ra tại cuộc họp định kỳ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/10.

* 96/234 chợ truyền thống mở cửa trở lại

Về đề xuất mở lại hoạt động buôn bán tại chỗ trên địa bàn, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang trình xin ý kiến UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, thành phố cũng đang đề nghị ngành y tế đánh giá về việc này.

Về tình hình kinh doanh, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tổng lượng hàng cung ứng đưa về thành phố ước đạt hơn 5.900 tấn. Hiện, lượng hàng cung ứng tại các điểm tập kết, trung chuyển xung quanh 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày. Theo đó, vào thời điểm trước ngày 1/10, mỗi ngày chỉ trên dưới 1.000 tấn, nay lên 1.800 tấn, gấp đôi so với 20 ngày trước.

Về hoạt động của các chợ truyền thống, ông Nguyễn Huỳnh Minh Tú cho biết, thành phố có 96/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Hiện còn 4 quận, huyện chưa mở lại chợ truyền thống.

“4 quận, huyện này không phải không mở lại mà cần phải đánh giá và phải đảm bảo an toàn từng bước trước khi hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, trong điều kiện chưa mở lại chợ truyền thống, các địa phương tuyệt đối không để chợ tự phát vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống dịch cũng như an toàn thực phẩm” - ông Nguyễn Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh.

Liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã chi trả cho hơn 5,2 triệu trường hợp.

Hiện, thành phố có 17 quận, huyện chi trả trên 80%, chỉ còn một số địa phương chi trả chậm do địa bàn cư dân đông, nhỏ lẻ, phong tỏa, một số người vẫn đang điều trị tại các bệnh viện... Tuy nhiên, với tiến độ này, các địa phương cam kết sẽ hoàn thành theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc tổ chức cho học sinh đến trường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn rà soát mức độ an toàn để cho học sinh tới trường. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ngành giáo dục sẽ dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, đồng thời chủ động rà soát, tự đánh giá để đảm bảo các tiêu chí đón học sinh trở lại an toàn, chuyển từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề vận tải liên tỉnh, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày triển khai thí điểm (ngày 13/10), công tác phối hợp giữa thành phố với các tỉnh vẫn chặt chẽ, đảm bảo nhu cầu của người dân.

Hiện, các quy định về phòng, chống dịch giữa các địa phương còn khác nhau. Do đó, việc tăng lượng hành khách còn chưa được như mong muốn.

* Không phong toả cả khu phố nếu phát hiện F0

Về quy trình xử lý các ca F0 phát hiện trong cộng đồng, theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, khi phát hiện ca F0, quy trình xử lý của thành phố sẽ có thay đổi.

Trước đây, khi phát hiện ca F0, ngành y tế phải xử lý triệt để, cách ly tập trung người liên quan, người tiếp xúc gần. Khu vực có F0 phải được phong tỏa gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con dù không quá cần thiết.

Đối với ổ dịch hộ gia đình, nếu mỗi hộ chỉ có 1 ca F0, cơ quan y tế, địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng, nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ để bệnh nhân cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nặng hoặc SpO2 dưới 96%, bệnh nhân được đưa đến trạm y tế xét nghiệm.

Với các trường hợp F1 sẽ được theo dõi sức khỏe và xét nghiệm định kỳ, cách ly gia đình. Một tổ dân phố, khu phố khi có một hộ gia đình có ca mắc thì các hộ còn lại chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài, không rào chắn, phong tỏa như trước đây.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại nhà máy, doanh nghiệp đã được Sở xây dựng nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt. Đa số lao động đã được tiêm vaccine nên khi phát hiện F0, cách làm sẽ khác so với trước đây. 

Cụ thể, F0 sẽ được đưa đến các khu vực cách ly tách biệt trong khu phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận, huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.

"Sắp tới, định hướng của ngành y tế sẽ thu hẹp dần các bệnh viện dã chiến theo lộ trình. Bên cạnh đó, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố sẽ thành lập khoa COVID-19. Các quận, huyện thành lập ít nhất một bệnh viện dã chiến nhằm điều trị cho các bệnh nhân", ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi, ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ ngay sau khi Bộ Y tế có quyết định về loại vaccine tiêm cho trẻ. Tất cả các trẻ trong độ tuổi trên đều được tiêm vaccine trong thời gian diễn ra chiến lược.

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, về cơ bản, thành phố chấp hành nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế, tuy nhiên với đặc điểm thành phố có số lượng trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi cũng khá lớn. Vì vậy, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thống kê trẻ trong độ tuổi này đang đi học khoảng 780.000 trẻ, trong đó chủ yếu là học sinh phổ thông.

Ngoài ra, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố còn có khoảng hơn 10.000 trẻ không đi học hoặc học ở những hệ khác.

Về tiến độ tiêm vaccine tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine của thành phố đến nay đạt tiến độ khả quan. Thành phố đã có 99% số người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 và 76% số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 2.

"Mục tiêu của chúng ta tiêm tất cả cho người dân trên địa bàn và cố gắng tiêm càng nhiều càng tốt. Đối với người dân từ các tỉnh trở về thành phố sinh sống làm việc chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì chủ động liên hệ với các quận, huyện để được tiêm vaccine", ông Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.

Ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, khoảng 30.000 người đã vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch COVID-19. Việc tri ân đã được tổ chức thành hai đợt, đợt 1 tại Thành phố Thủ Đức và đợt 2 ở Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước mắt, thành phố chỉ tổ chức 2 đợt vì các lực lượng tuyến đầu phải trở về đơn vị tiếp tục công tác. Theo đó, các ban, ngành của thành phố sẽ tiếp tục tổng hợp, trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh khen thưởng tất cả lực lượng đã hỗ trợ thành phố, không phân biệt bệnh viện tư nhân hay bệnh viện nhà nước, đơn vị trung ương hay địa phương... 

Việc khen thưởng thể hiện qua nhiều hình thức như bằng khen, thư khen, đề nghị Chính phủ, Nhà nước khen thưởng bậc cao, tổ chức nhiều đợt do đại diện Ban Thường vụ Thành ủy đi các tỉnh, thành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để bày tỏ sự cảm ơn.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến sáng 21/10, thành phố có gần 12.500 ca điều trị tại nhà, hơn 5.400 người cách ly tập trung. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 748 người, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là hơn 11.500. Trong ngày, thành phố ghi nhận 661 người xuất viện, 41 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục