Tp. Hồ Chí Minh thu hút vốn FDI tăng hơn 22% ​

10:46' - 31/03/2023
BNEWS Trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30,0% về vốn so với cùng kỳ.

Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố tính cả cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp mua, cổ phần, mua lại vốn góp đạt 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ.

 
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30,0% về vốn so với cùng kỳ. Xét về vốn đăng ký cấp mới, hoạt động xây dựng có 3 dự án, vốn đăng ký là 53,7 triệu USD, chiếm 40,4% vốn đăng ký; kế đến hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 86 dự án, vốn đăng ký là 53,6 triệu USD, chiếm 40,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 54 dự án, vốn đăng ký 10,4 triệu USD, chiếm 7,8%; hoạt động thông tin truyền thông có 37 dự án, vốn đăng ký là 6,8 triệu USD, chiếm 5,1 %.

Về nhà đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 47 dự án, vốn đăng ký đạt 86,7 triệu USD, chiếm đến 65,4% vốn đăng ký; tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) với 15 dự án, vốn đăng ký 9,5 triệu USD, chiếm 7,1%; Nhật Bản với 19 dự án, vốn đăng ký đạt 9,0 triệu USD, chiếm 6,7%.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố có có 37 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 87,1 triệu USD; trong đó, ngành công nghiệp chế biến có 3 dự án, vốn đăng ký 27,5 triệu USD chiếm 31,5% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 15 dự án, vốn đăng ký 26,9 triệu USD chiếm 30,9%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 07 dự án, vốn đăng ký 23,1 triệu USD, chiếm 9 26,5%.

Hàn Quốc là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 03 tháng đầu năm 2023 đạt 35,5 triệu USD, chiếm 40,8% vốn đăng ký điều chỉnh.

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 468 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 277,3 triệu USD, giảm 5,9% so với góp vốn cùng kỳ; trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 157,2 triệu USD, chiếm 56,7% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 44,6 triệu USD, chiếm 16,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn góp đạt 43,7 triệu USD, chiếm 15,8%. Singapore và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 61,8% và 13,7%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 3 tháng đầu năm 2023, về số dự án,  Tp. Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (41,4%), số lượt dự án điều chỉnh (15,8%) và góp vốn mua cổ phần (66,6%).

Tương tự, theo đánh giá chung của Cục Thống kê thành phố, số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng cả về số lượng (tăng 70%) và vốn đăng ký (tăng 30%). Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 22,4% so với cùng kỳ, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên lựa chọn đầu tư vào Thành phố trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang bất ổn.

Lũy kế đến tháng 3/2023, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 11.598 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 56,4 tỷ USD. Thành phố dẫn đầu so với cả nước về số dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt chiếm 31,4% và 12,7%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục