Tp Hồ Chí Minh triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà

19:50' - 24/08/2021
BNEWS Liên tục trong 23/8 và ngày 24/8, các địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh sau khi Thủ tướng có công điện về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cùng hướng dẫn của Bộ Y tế về thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố.
Theo đó, tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), việc xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên virus SARS-COV-2, hay còn gọi là test nhanh do người dân tự thực hiện theo từng hộ gia đình. Quá trình người dân tự xét nghiệm tại nhà ban đầu đều được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Sáng 24/8, bà Nguyễn Thị Hà, trú tại Chung cư Sài Gòn Gateway, thành phố Thủ Đức đã được nhân viên y tế phường hướng dẫn cách tự test nhanh tại nhà để kiểm tra mình có dương tính với SARS-CoV-2 hay không.

Bà Nguyễn Thị Hà hoan nghênh việc ngành y tế hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm tại nhà bởi việc này không quá khó và tránh việc tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tương tự, các nhân viên trong tổ y tế lưu động của Phường 2, Quận 4 triển khai hướng dẫn tự thực hiện xét nghiệm tại nhà, đã được nhiều người dân hưởng ứng, ủng hộ. Sau khi được hướng dẫn, ông Nguyễn Văn Quyên, trú Khu phố 3, Phường 2, đã có thể tự lấy mẫu xét nghiệm cho 5 thành viên trong gia đình một cách nhanh chóng và chia sẻ cách triển khai lấy mẫu như thế này an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND Quận 4 cho biết, trong đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên, Quận 4 được Sở Y tế  phân bổ cho 83.175 bộ kit test nhanh dành cho 231 tổ dân phố thuộc "vùng cam" và "vùng đỏ" với tổng số khoảng 83.160 người dân.

Đồng thời, 13 trạm y tế của 13 phường cũng được tăng cường lực lượng cán bộ y tế từ Học viện Quân y và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ, chia thành nhiều tổ đi đến từng tổ dân phố “vùng cam” và “vùng đỏ” để tiến hành xét nghiệm.

Hiện nay, Quận 4 đang triển khai song song 2 cách thức lấy mẫu. Đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, lực lượng y tế sẽ chịu trách nhiệm thực hiện lấy mẫu. Đối với hộ gia đình có người có thể thực hiện xét nghiệm, lực lượng y tế sẽ tiến hành cấp phát các bộ test nhanh tương ứng với số thành viên trong gia đình.

Sau khi các gia đình tiến hành xét nghiệm xong sẽ mang kết quả đến khu vực xét nghiệm tại tổ dân phố để thông tin cho lực lượng y tế. “Quận 4 đặt mục tiêu đến hết ngày 25/8 sẽ hoàn thành công tác xét nghiệm trong cộng đồng", ông Chiến khẳng định.

Cũng ráo riết triển khai nhanh công tác xét nghiệm, từ ngày 23/8, thành phố Thủ Đức thực hiện xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 còn trong cộng đồng.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức nhận xét, việc tổ chức cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu tại nhà rất quan trọng, giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo an toàn hơn trong quá trình thực hiện xét nghiệm diện rộng.
Trong hai ngày 23/8 và ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp đến nhiều điểm hướng dẫn người dân tự test nhanh ở thành phố Thủ Đức, quận Tân Phú…

Tại các điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây lan dịch, đồng thời có những chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát công tác tự test nhanh COVID-19 tại nhà.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau khi kết thúc đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng lần 1 (dự kiến kết thúc vào ngày 25/8). Bộ Y tế và Sở Y tế sẽ vẽ lại bản đồ phân vùng của Thành phố Hồ Chí Minh theo mức độ nguy cơ.

Bởi lẽ, sau khi xét nghiệm sẽ bộc lộ những vùng đổi màu, có thể từ vùng xanh (vùng an toàn) chuyển thành vùng vàng (vùng có khả năng lây nhiễm lớn) hoặc vùng vàng chuyển thành vùng cam (vùng có nguy cơ cao), vùng cam chuyển thành vùng đỏ (vùng có nguy cơ rất cao) hoặc ngược lại.

"Sau khi vẽ lại bản đồ, Thành phố tiếp tục kế hoạch xét nghiệm, đối với vùng đỏ sẽ xét nghiệm 48 giờ/lần, vùng cam sẽ xét nghiệm 72 giờ/lần. Còn đối với vùng vàng, vùng xanh thì vẫn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR cho 5-10 người dân", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục