Tp. Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu

16:55' - 13/01/2021
BNEWS Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngành công thương thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước

 

Ngày 13/1, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Dịp này, Sở Công Thương cũng đã công bố và trao tặng biểu trưng 92 sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu thành phố năm 2020, và ra mắt ban cố vấn hội đồng ngành logistics Tp. Hồ Chí Minh
Phát biểu tại hội nghị,  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị ngành công thương thành phố trong năm 2021 tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép; chủ động nguồn lực, tham gia tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, thành phố cần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo hướng phát huy thế mạnh của từng địa phương; tạo sự phát triển toàn diện bền vững cho khu vực; đồng thời chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngành công thương thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tố chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử; thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường nhất là chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Đối với các thành phần kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến khích tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, RCEP... có hiệu lực; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; mở các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đánh giá những nỗ lực của các doanh nghiệp đã đồng hành vượt khó cùng ngành công thương thành phố đóng góp chung vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội thành phố trong năm 2020. 
Năm 2021, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng đề nghị ngành công thương tập trung triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 – 2030; đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng cũng đề nghị ngành công thương cần tăng cường cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành kêu gọi đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng.

Đồng thời, đa dạng hóa các chương trình xúc tiến thương mại trong nước có trọng tâm, trọng điểm; xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào các thị trường tiềm năng như Australia, Singapore, Lào, Campuchia; tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; xây dựng chương trình kích cầu đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
"Đặc biệt, phát huy vai trò của các hội đồng ngành trong triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành chủ lực của thành phố; tham mưu lãnh đạo thành phố các chính sách hỗ trợ; tận dụng và phát huy mọi nguồn lực về vốn, công nghệ, nhân lực.. cho sự phát triển gắn với các yêu cầu phát triển thực tiễn, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế, các xu hướng phát triển của thời đại để thành phố có cơ hội đi tắt, đón đầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo...", Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng ngành công thương cùng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì hoạt động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh".
Tuy chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4%, sức tiêu thụ hàng hóa đạt mức tăng trưởng không bằng so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 1,39%; tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp và thương nghiệp trong GRDP năm 2020 đạt 35,3% GRDP thành phố.
Quy mô sản xuất của các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố năm 2020 tăng 0,5% so với năm 2019, góp phần tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác; trong đó có các khu vực kinh tế còn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân thành phố, cân đối cung – cầu hàng hóa của các địa phương.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tuy có giảm (1,3% so với năm 2019), nhưng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 19,1% so với năm 2019 (chiếm 19% của cả nước); tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng 3,1% (chiếm 15,6% cả nước) tập trung ở nhóm nhóm ngành công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục