TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm trường hợp ra đường không lý do chính đáng

16:49' - 18/08/2021
BNEWS TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 16/8 đến 15/9, nhưng những ngày qua, người dân lưu thông trên các tuyến đường tăng hơn so với trước đó.

Trước tình hình trên, Công an Tp. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tăng cường tuần tra, chốt chặn và kiểm soát để xử lý các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Ghi nhận sáng 18/8, các phương tiện di chuyển bắt đầu đông trở lại trên tuyến đường lớn từ cửa ngõ phía Tây vào trung tâm thành phố như Quốc lộ 1, Trường Chinh (đoạn qua Quận 12), Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).

Ngoài các xe tải chở hàng cũng có khá nhiều xe ô tô, xe máy lưu thông trên các tuyến đường. Việc kiểm tra giấy tờ đi lại ở một số chốt kiểm soát không thường xuyên như ngày thường.

Cụ thể tại chốt ngã tư An Sương (hướng từ huyện Củ Chi, Hóc Môn về trung tâm), chốt kiểm soát góc Trường Chinh với Tân Kỳ Tân Quý… nhiều phương tiện lưu thông nhưng qua lại dễ dàng.

Trong khi đó, các tuyến đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Quang Trung (quận Gò Vấp), Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Tri Phương, đường 3/2, Hùng Vương (Quận 10, Quận 5) lượng xe và người di chuyển khá đông.

Trong số đó, phần lớn là loại hình shipper, xe vận chuyển hàng hóa, xe cứu trợ, cứu thương, đơn vị phòng, chống dịch các địa phương cùng một số phương tiện giao thông các loại.

Tại chốt cầu Chợ Cầu (hướng từ Quận 12 vào quận Gò Vấp), dù gần giữa trưa nhưng lượng phương tiện lưu thông vẫn khá đông. Cán bộ Công an trực tại chốt cho biết, trong khoảng 3 ngày nay, lượng phương tiện lưu thông nhiều hơn so với trước đây.

Thời điểm di chuyển đông nhất là cao điểm sáng và chiều. Những người đi qua chốt phần lớn đều có lý do chính đáng và được các lực lượng tạo điều kiện cho lưu thông.

Khác với các trục đường chính vào trung tâm, nhiều tuyến đường thuộc trung tâm thành phố như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1, Quận 3) khá vắng vẻ bởi có nhiều rào chắn và chốt kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, phần lớn tại khu vực này là các cơ quan nhà nước, tòa nhà thương mại cao tầng, doanh nghiệp, khách sạn đang tạm ngưng hoặc giảm nhân sự đến trụ sở làm việc.

Ở các trục Quốc lộ 22 và Quốc lộ 1, nút giao An Sương, lưu lượng xe máy rất ít, chủ yếu là phương tiện vận tải hàng hóa, các loại xe ưu tiên, luồng xanh nhưng cũng di chuyển thuận lợi bởi mật độ tham gia giao thông thấp.

Trong khi đó, tại tuyến hẻm, đường nhỏ, đường nội bộ trong nội ô thành phố, người dân cùng chính quyền địa phương cũng lập chốt, điểm vùng xanh nhằm hạn chế người ra vào, kiểm soát dịch bệnh, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế lưu thông trên các tuyến đường phố…

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trên 48 tuyến đường chính (100 điểm đo), lưu lượng phương tiện giảm mạnh từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội (cuối tháng 5/2021), nhất là khi thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg.  

Trong đó, giảm nhiều nhất là ngày 11/7 và 25/7, giảm 86% so với ngày 28/5 (trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội). Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, lưu lượng phương tiện đã tăng trở lại so với trước đó.

Mức giảm lưu lượng phương tiện so với ngày 28/5 thường dao động ở mức 65% đến trên 70%. Thời gian lưu thông nhiều nhất là các khung giờ từ 9-12 giờ và khung giờ từ 15-17 giờ hàng ngày.

Thống kê trong ngày 16/8 cho thấy, thành phần phương tiện tham gia giao thông chủ yếu vẫn là xe máy với 41,8%, xe tải khoảng 31,1%, xe ô tô chiếm 24,7%, trong khi xe từ 25 chỗ trở lên là 1,5% và xe tải nặng chiếm 0,3%.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo văn bản 2718 của UBND thành phố về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, đối tượng được phép đi lại trên đường và hoạt động theo công văn trên từ 6-18 giờ hàng ngày được mở rộng.

Cụ thể nhóm đối tượng được hoạt động mở rộng thêm như các cơ sở thực phẩm, tổ chức hành nghề công chứng; công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm; phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân...

Theo Công an thành phố, trước đó, nhóm đối tượng được phép hoạt động và di chuyển trên đường từ 6-18 giờ hàng ngày đã đạt gần 120.000 lượt phương tiện và hơn một triệu lượt người mỗi ngày.

Riêng nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý, ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức là hơn 50.000 lượt người.

Như vậy, với việc thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động trong khung giờ từ 6-18 giờ hàng ngày như trên, dự báo lưu lượng người và phương tiện di chuyển trên địa bàn thành phố trong khung giờ này sẽ tăng lên so với trước đó.

Công an thành phố cho biết, việc kiểm soát và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố phải chặt chẽ, quyết liệt hơn.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện tuần tra, chốt chặn, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục