Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu thu hồi 70 tỷ công nợ còn tồn đọng tại Công ty IPC

13:03' - 04/04/2019
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu khẩn trương thu hồi, xử lý, trích lập dự phòng các khoản công nợ còn tồn với số tiền gần 70 tỷ đồng của Công ty IPC.

Liên quan đến việc xử lý sau thanh tra tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC - doanh nghiệp Nhà nước do UBND TP Hồ Chí Minh sở hữu 100% vốn điều lệ), Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa giao Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của Công ty IPC xử lý trách nhiệm về mặt chính quyền đối với cá nhân có liên quan đến sai phạm; đồng thời, phối hợp với Đảng uỷ Công ty IPC xử lý trách nhiệm về mặt Đảng; khẩn trương thu hồi, xử lý, trích lập dự phòng các khoản công nợ còn tồn với số tiền gần 70 tỷ đồng.

UBND thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm những sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về việc đi nước ngoài theo vi phạm quản lý của Công ty IPC.

Tăng cường việc quản lý tài sản, quản lý vốn đầu tư xây dựng, rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án; khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý về giao đất, đóng tiền sử dụng đất, chấn chỉnh việc lựa chọn đối tác để thực hiện đầu tư dự án, đảm bảo có năng lực kinh nghiệm; đồng thời, chấn chỉnh việc cho thuê văn phòng trụ sở của Công ty IPC, không thanh toán tăng tiền thiết kế dự toán công trình Toà nhà văn phòng IPC giai đoạn 2.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố phối hợp cùng Ban Quản lý khu Nam và các sở ngành liên quan, hướng dẫn Công ty IPC hoàn tất thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp đối với dự án Khu dân cư Hiệp Phước do Công ty IPC làm chủ đầu tư.

Về dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 do Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (công ty con của Công ty IPC), UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, báo cáo đề xuất phương án giải quyết cũng như xem xét pháp lý sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án.

Trước đó, Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh có Kết luận số 33/KL-TTTP-P6 chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty IPC như góp vốn thực hiện tại dự án Khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh), Khu dân cư Hiệp Phước 1, Khu dân cư Long Hậu, cho thuê lại một phần mặt bằng văn phòng IPC tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại các công ty thành viên trong các thương vụ đấu giá bán vốn, cổ phần hoá tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Container trung tâm Sài Gòn, Công ty TNHH MTV phát triển Công nghiệp Sài Gòn…

Vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển chủ đầu tư 2 dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án cầu Rạch Đỉa giai đoạn 3 từ Công ty IPC làm chủ đầu tư sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố.

Đồng thời, chuyển chủ đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hoàn thiện 2 dự án xây dựng nói trên từ Công ty IPC sang Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 7.

Nguyên nhân là Công ty IPC năng lực yếu, không có kinh nghiệm về triển khai dự án hạ tầng giao thông lớn, phức tạp. Đó là chưa kể trong quá trình thực hiện tại dự án nói trên, Công ty IPC đã làm phát sinh tiền lãi vay làm tổng chi phí thực tế lớn hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Đáng chú ý, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu cơ quan chức năng chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. Hồ Chí Minh để làm rõ các vụ việc liên quan đến sai phạm tại Công ty IPC. Cụ thể, như phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước gây thiệt hại cho Nhà nước, việc thẩm định giá của Công ty cổ phần chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH thẩm định giá MHD, việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh.

Ngoài ra, UBND thành phố giao Thanh tra thành phố thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, làm rõ và kết luận việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Sài Gòn chuyển thành Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn (ESL); việc quản lý và sử dụng vốn, việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn từ khi thực hiện cổ phần hóa đến nay…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục