TPHCM phản hồi kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại 6 dự án BOT giao thông

17:15' - 23/08/2017
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa phản hồi và kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, điều chỉnh các nội dung kết luận về sai phạm tại 6 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT trên địa bàn.
Liên quan đến Kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại 6 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hợp đồng BT, BOT trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có phản hồi, kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, điều chỉnh các nội dung kết luận.

Các dự án mà Thanh tra Chính phủ có kết luận gồm dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc, mở rộng Xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Bình Triệu 2, đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và Tp. Hồ Chí Minh xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra 2.172 tỷ đồng, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đã vi phạm các quy định pháp luật.

Theo đó, tại dự án xây dựng cầu Phú Mỹ và đường kết nối vào cầu Phú Mỹ (theo hình thức BT), Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND Thành phố không thực hiện việc xây dựng và công bố danh mục kêu gọi đầu tư; không tổ chức đầu thầu. UBND Thành phố cho rằng, do ngân sách Thành phố hạn chế, trong khi đây là dự án phải triển khai hoàn thành đồng bộ với cầu Phú Mỹ nên Thành phố quyết định chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ ngân sách Thành phố sang hình thức BT.

Tại phụ lục dự án bổ sung 2 nút giao Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10 và Quốc lộ 1 với Tỉnh lộ 10B, lắp đặt dải phân cách giữa làn xe cơ giới trên Quốc lộ 1, đoạn An Sương – An Lạc (hợp đồng BOT), theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành phố đã sai phạm trong việc chỉ định Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm chủ đầu tư mà không đăng tải phổ biến thông tin dự án để các nhà đầu tư khác tham gia.

Phản hồi quan điểm này UBND Thành phố cho rằng, Thành phố giao Công ty IDICO thực hiện dự án dựa trên chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hai hạng mục bổ sung này không phải là một dự án độc lập, thuộc phạm vi tuyến đường An Sương – An Lạc nên không thể đầu tư độc lập theo hình thức BOT mà phải gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương – An Lạc.

Cũng tại dự án này, Thanh tra Chính phủ kết luận, Thành phố đã lập, thẩm định và phê duyệt dự án khả thi chưa đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến tăng tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng. UBND Thành phố nêu quan điểm, tổng mức đầu tư của dự án là 705 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011 – 2013; việc tăng giá trị dự phòng so với phương án phân bổ 18 tháng không ảnh hưởng đến công tác thi công.

Với dự án Xa lộ Hà Nội (BOT), Thanh tra Chính phủ kết luận, việc quyết toán hơn 3,8 tỷ đồng tiền thuê nhà trạm Kinh Dương Vương là chưa đúng quy định của hợp đồng. Trong khi đó, theo giải trình của UBND Thành phố, do không có mặt bằng nên trạm thu phí đường Kinh Dương Vương không có nhà điều hành, buộc Công ty CII (chủ đầu tư) phải tiếp tục hợp đồng thuê nhà điều hành mà chủ đầu tư trước đây là Công ty Investco – Thanh niên Xung phong đã thuê; phần chi phí này được khoán 8,8% doanh thu thu phí tại phụ lục hợp đồng và được Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, chi phí duy tu, bảo dưỡng thực tế thấp hơn chi phí quyết toán tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Hùng Vương (chi phí thực tế là 39,5 tỷ đồng trong khi quyết toán là 45,2 tỷ đồng; chi phí trùng tu thực tế là 12,8 tỷ đồng, quyết toán là 17,9 tỷ đồng). Tuy nhiên theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, số tiền chênh lệch này là do chăm sóc, duy tu cây xanh trên các tuyến đường.

Mặt khác, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành phố đã vi phạm trong việc chỉ định Công ty CII làm chủ đầu tư mà không thông qua đấu thầu rộng rãi. UBND Thành phố lập luận rằng, do nhu cầu cấp bách trả ngân sách Thành phố để mở rộng tuyến đường Xa lộ Hà Nội phục vụ phát triên kinh tế - xã hội nên việc công bố danh mục dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội là không cần thiết.

Tại dự án cầu Bình Triệu 2 (BOT), Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Thành phố không thực hiện xây dựng và công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư. Theo UBND Thành phố, đây là dự án chuyển tiếp từ Cienco5 theo hình thức BOT, Thủ tướng chính phủ cũng đã chấp thuận cho Thành phố chấm dứt hợp đồng với Cienco 5 và điều chỉnh dự án theo hướng chọn Công ty CII ứng trước khoản tiền cho Thành phố để hoàn trả kinh phí đã đầu tư của Cienco 5, sau đó thu phí hộ để hoàn vốn.

Cũng tại dự án này, Thanh tra Chính phủ kết luận chi phí duy tu cầu Bình Triệu 1 và 2 không đúng quy định, tuy nhiên quan điểm của UBND Thành phố là do vào thời điểm ký hợp đồng (năm 2008) có sự tăng cao về giá nhiên liệu, Bộ Xây dưng cũng đã có Thông tư hướng dẫn điều chỉnh chỉ số trượt giá.

Với dự án xây dựng đường nỗi từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu (BOT), theo kết luận Thanh tra Chính phủ, Thành phố đã sai phạm trong việc chỉ định Công ty CP Xi măng Hà Tiên làm chủ đầu tư mà không thông qua đấu thầu công khai. UBND Thành phố nêu quan điểm, việc chỉ định này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nên Thành phố mới triển khai…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục