TPHCM sẽ xây hồ điều tiết để giảm ngập do mưa

11:17' - 01/08/2017
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch triển khai giải pháp giảm ngập do mưa bằng cách xây dựng hồ điều tiết.
Nhiều tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu vì mưa lớn. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh việc thực hiện các dự án xây dựng hệ thống cống ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng nhằm giảm tình trạng ngập nước do triều cường, Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch triển khai giải pháp giảm ngập do mưa bằng cách xây dựng hồ điều tiết. 

* Thí điểm hồ điều tiết ngầm 

Để đánh giá hiệu quả giải pháp xây dựng hồ điều tiết giảm ngập do nước mưa, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố cùng các đơn vị liên quan làm việc với Công ty Sekisui Việt Nam nhằm lựa chọn vị trí xây thí điểm hồ điều tiết. Theo đó, Công ty Sekisui Việt Nam tiến hành thi công hồ ngầm chống ngập thí điểm đầu tiên cho thành phố tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (đường Võ Văn Ngân). 

Theo Công ty Sekisui, hồ ngầm được thực hiện bằng crosswave là vật liệu xây dựng mới, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam. Với khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn, sau khi xây dựng xong hồ điều tiết ngầm, mặt bằng sẽ được hoàn trả cho các công trình như công viên, bãi đỗ xe, sân vận động... Do đây là hồ điều tiết thí điểm, dung tích chứa chỉ khoảng 100 m3, hồ có mục đích chống ngập cục bộ một khu vực ở đường Võ Văn Ngân và toàn bộ kinh phí do Công ty Sekisui tự thực hiện. 

Theo các đơn vị liên quan trong việc thực hiện xây dựng hồ điều tiết ngầm tại quận Thủ Đức, công trình này chủ yếu mang tính chất thí điểm để giới thiệu công nghệ. Sau khi hoàn thành, nếu được đánh giá hiệu quả và phù hợp với từng địa bàn, thành phố mới tính đến việc thực hiện các dự án xây hồ điều tiết có quy mô lớn hơn theo công nghệ này nhằm mục đích chống ngập do mưa. 

* Xây dựng các hồ điều tiết quy mô lớn 

Xây hồ điều tiết là một trong những giải pháp chống ngập mà Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố đang chuẩn bị các bước để xây 3 hồ điều tiết với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ nhằm giải quyết tình trạng ngập do mưa, trong đó, lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. 

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài 3 hồ điều tiết quy mô lớn, một số hồ cảnh quan khác có khả năng được mở rộng, gia cố chuyển thành hồ điều tiết như hồ trong công viên phường Linh Đông (quận Thủ Đức) với diện tích hiện khoảng 8 ha, hồ rộng 2 ha nằm trong khu 87 ha tại phường An Phú, Quận 2, hồ tại công viên phường An Lạc rộng 1,4 ha (quận Bình Tân), ao Song Tân (7,4 ha) tại quận 7, công viên Vĩnh Lộc 85 ha tại huyện Bình Chánh, khu vực công viên Gia Định thuộc quận Gò Vấp... 

Theo các chuyên gia quy hoạch, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được trên 30% tình trạng ngập úng cho Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhận định về giải pháp hồ điều tiết, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Xây dựng hồ điều tiết là một trong những giải pháp chứa nước mưa giúp giảm ngập, đã được ứng dụng tại nhiều nước, nhưng chỉ nên xem đây là giải pháp mang tính hỗ trợ trong việc thoát nước mưa chứ không thể thay thế cho giải pháp chính. 

Theo ông Hồ Long Phi, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Sau khi đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước phù hợp với từng khu vực trên địa bàn thành phố, giải pháp làm hồ điều tiết mới phát huy được khả năng giảm ngập vì chi phí để xây dựng các hồ trữ nước mưa là vô cùng lớn. 

Trong khi đó, Thạc sỹ Đặng Hòa Vĩnh, Trưởng Phòng Tài nguyên Nước - Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất thực hiện giải pháp hồ trữ nước bên cạnh việc xây dựng các hồ điều tiết nước. Theo đó, có thể tận dụng các hồ thoát lũ của hành lang thoát lũ Láng The (huyện Củ Chi) để làm hồ trữ nước. Trong mùa mưa, các hồ này làm nơi thoát lũ, giảm ngập cho thành phố, đồng thời trở thành nơi trữ nước để cung cấp nước cho nhà máy nước cũng như cấp nước phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục