TPP có phải là chiếc đũa thần?

07:45' - 15/10/2015
BNEWS Hiệp định thương mại thế hệ mới TPP có phạm vi và mức độ cam kết rộng lớn hơn, bao trùm trên mọi lĩnh vực so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Vòng đàm phán TPP vào tháng 10/2015 tại Atlanta, Mỹ thu được những kết quả đột phá, khép lại hoàn toàn tiến trình đàm phán kéo dài hơn 5 năm qua của Hiệp định thương mại có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: TTXVN

Với 20 năm kinh nghiệm hội nhập, Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thể chế; trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định; hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch để từ đó tạo sức bật cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thách thức sẽ không ít cho chặng đường phía trước của Việt Nam.

Về tổng quát, nội dung của Hiệp định TPP đề cập không chỉ các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư mà còn cả các vấn đề thương mại phi truyền thống. Với Việt Nam, TPP sẽ mang lại những lợi ích trên các khía cạnh: kinh tế, xã hội và thể chế.

Xét về mặt kinh tế, tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập cho thấy, Hiệp định TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1-2%/năm. Xuất khẩu tăng thêm khoảng 28,84%, xấp xỉ 68 tỷ USD vào năm 2025 so với thời điểm hiện tại.

Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada và Australia… giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, ngành sản xuất có quy mô khả dụng lao động cao, đặc biệt là các lĩnh vực hiện nay phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao trên thị trường TPP, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, như: dệt may, giày dép, gỗ, một số ngành như chế biến thực phẩm và thiết bị điện tử…

Giao dịch thương mại giữa các nước tham gia TPP dự kiến sẽ gia tăng nhanh chóng. Ảnh đồ họa: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, TPP sẽ tạo ra các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng, góp phần gia tăng hơn nữa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả sản xuất và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, qua đó xây dựng năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp, đáp ứng những quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, yêu cầu kỹ thuật của hiệp định trong dài hạn.

Về mặt thể chế, TPP có các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Qua đó hỗ trợ cho tiến trình đổi mới tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TPP cần phải hiểu như là một hiệp định đề ra luật chơi mới trong thương mại đầu tư quốc tế, áp dụng trong một khối kinh tế khá năng động, chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại toàn cầu. Cho nên, việc Việt Nam được tham gia hiệp định này có ý nghĩa rất lớn và là cơ hội lớn để thúc đẩy cải cách, phát triển kinh tế.

Về mặt xã hội, gia nhập TPP, xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, các cơ hội về việc làm và nâng cao thu nhập sẽ gia tăng. Hơn nữa, hiệp định cũng thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ.

Hiệp định TPP sẽ mở ra thị trường thương mại rộng lớn bao trùm toàn bộ kinh tế thế giới. Ảnh đồ họa: TTXVN

Chiếc đũa thần TPP

Những lợi ích của TPP là có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, liệu TPP có phải là chìa khóa vạn năng cho mọi quốc gia thành viên đạt được mục tiêu tăng trưởng trong tương lai?

Mặc dù, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) và các hiệp định tự do khác. Nhưng, khác với WTO hay BTA, cơ chế và quy định bắt buộc thực hiện cam kết của TPP chặt chẽ hơn rất nhiều.

Một số cam kết trong hiệp định về các lĩnh vực: lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và doanh nghiệp nhà nước... khá mới mẻ so với quy định của Việt Nam. Vì vậy, để được hưởng những ưu đãi thuế quan từ TPP, Việt Nam cần đáp ứng được đầy đủ các cam kết đã thỏa thuận.

Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế, cải cách điều kiện lao động,

đảm bảo các quy tắc theo chuẩn quốc tế. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, TPP không phải là cây đũa thần tạo ra kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào tham gia hiệp định. 

“Hãy coi TPP và các FTA chất lượng cao khác như FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) là những chất xúc tác đầy ý nghĩa đối với xuất khẩu, hoạt động kinh tế, đầu tư và có ý nghĩa nhất là cải cách trong nước, bao gồm: cải cách thể chế - điều mà Việt Nam đang rất muốn thực hiện; cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện thái độ cách nghĩ, cách ứng xử của bộ máy nhà nước đối với một nền kinh tế thị trường. Có làm được những điều này, Việt Nam mới có thể thực sự phát triển”. TS Võ Trí Thành chia sẻ.

Thận trọng hơn, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học kinh tế, Đại học Quốc Gia, cho rằng, giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO cũng đã từng nhận được rất nhiều kỳ vọng. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách tiền tệ thiếu kinh nghiệm đã góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản, khiến lạm phát tăng cao thời kỳ 2008 – 2011.

Vì vậy theo ông Thành, Việt Nam không nên tự mãn với việc ký kết những hiệp định đầy hứa hẹn như TPP, hay ở mức độ thấp hơn như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét, rà soát các thủ tục pháp lý và biểu quyết thông qua Hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất.

Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Luật chơi mới

Một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra, thách thức lớn nhất của Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực chính là việc thực hiện các cam kết TPP.

Với yêu cầu về cải cách thể chế hiệp định không chỉ loại bỏ các rào cản thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường xuất khẩu chủ lực, mà tác động trực tiếp tới chất lượng thi hành pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lý doanh nghiệp nhà nước, lao động và tiêu chuẩn môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công và tự do hóa dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ tài chính và viễn thông.

Việc thực hiện các cam kết này sẽ đặc biệt khó khăn cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế mới bước vào giai đoạn ổn định, quá trình đổi mới vẫn đang diễn ra từ từ và chưa có nhiều đột phá.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO. Cụ thể, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới để luật hóa các cam kết trong các lĩnh vực phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, chứng khoán cùng các cam kết về thương mại dịch vụ, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ.

Với TPP, Việt Nam cũng như 11 nước thành viên tham gia hiệp định sẽ có thời gian tối thiểu 18 tháng để tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn hiệp định. 

Nhìn nhận những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, người đứng đầu Bộ Công Thương chia sẻ đây sẽ là khoảng thời gian để Việt Nam tập trung vào việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức khi TPP có hiệu lực.

Thu Hạnh - Diệu Linh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục