TPP sẽ tạo lực đẩy cho Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương

11:28' - 07/10/2015
BNEWS Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Italy, việc tạo lập một khu vực thương mại tự do tại Thái Bình Dương có thể tạo đà cho cuộc đàm phán EU-Mỹ về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
TPP sẽ tạo lực đẩy cho cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương. Ảnh: THX-TTXVN

Nhật báo kinh tế-tài chính hàng đầu Italy “Il Sole 24 Ore” có đăng nhận định việc 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 5/10 đã đạt được sự đồng thuận cuối cùng có thể đem lại những lợi ích nhất định cho kinh tế châu Âu trên nhiều khía cạnh.

Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Carlo Calenda cho rằng, việc ký kết TPP "không phải là một tin tức tốt lành mà là một tin tuyệt vời. Tác động có thể cảm thấy ngay tức khắc. Việc tạo lập một khu vực thương mại tự do tại Thái Bình Dương có thể tạo đà cho việc thương lượng giữa EU và Mỹ cho Hiệp định TTIP.

Trước hết, TPP, vốn chiếm đến 40% GDP của toàn thế giới, sẽ có tác động thúc đẩy các vòng đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

TTIP bao gồm một khối các nước chiếm 50% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ này được cho là một trong những “cơ hội vàng” để giúp châu Âu phát triển trong giai đoạn trung và dài hạn sắp tới.

Sự tạo lập của hai khối thương mại tự do khổng lồ xuyên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trên thực tế có thể dẫn đến sự thay đổi cán cân địa-chính trị thế giới, tạo một gọng lực mạnh mẽ lên khối các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, buộc họ phải hạ thấp hàng rào thuế quan và chống bán phá giá.

Tác động đối với châu Âu khá lớn và tích cực, bởi EU đã ký thành công một loạt hiệp định về trao đổi thương mại tự do với một số nước thành viên TPP là Singapore, Mexico, Việt Nam, đồng thời đang cố gắng kết thúc các vòng đàm phán với Nhật Bản.

TPP được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình đàm phán cho TTIP, trên thực tế vẫn còn một số bế tắc, do EU và Mỹ còn bất đồng về một số vấn đề.

Theo tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), nếu TTIP được ký kết, tác động về tăng trưởng GDP đối với cả EU và Mỹ là rất lớn và có hiệu quả tức thì.

EC ước tính rằng, từ khi ký Hiệp định cho đến năm 2027, GDP của cả khối EU sẽ tăng trung bình mỗi năm 0,48% (86,4 tỷ euro) và với Mỹ là 0,39% (65 tỷ euro). Đáng chú ý nhất là xuất khẩu của EU sang Mỹ có khả năng sẽ tăng tới 28% (187 tỷ euro) và xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu tăng 36,5% (159 tỷ euro).

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định rằng, Mỹ đang đặt TTIP lên "bệ phóng" để đóng lại việc thương lượng và cuối cùng kết thúc bằng việc đặt bút ký trước khi ông hết nhiệm kỳ./.

Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Roma)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục