TPP - Thắng lợi lớn cho Mỹ và Nhật Bản

13:06' - 06/10/2015
BNEWS Báo chí Anh nhận định việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận cuối cùng là thắng lợi lớn đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
TPP là cột trụ về kinh tế trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của Chính quyền Tổng thống Obama.

Ảnh: Reuters/TTXVN

Tờ "Thời báo tài chính" (Financial Time) gọi TPP là cột trụ về kinh tế trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của Chính quyền Tổng thống Obama trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới.

Đối với Nhật Bản, TPP là một nhân tố chủ chốt trong “mũi tên thứ ba” của chương trình cải cách kinh tế mà Thủ tướng Nhật Bản thực hiện kể từ khi ông lên nắm quyền điều hành đất nước năm 2012.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Obama ngày 5/10 nói rằng: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở ngoài biên giới, thì chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc định ra những luật lệ cho kinh tế toàn cầu".

Ông Obama tiếp lời: "Chúng ta nên viết ra những quy định của mình, nhằm mở cửa các thị trường xuất khẩu mới đồng thời định ra các tiêu chuẩn cao để bảo vệ người lao động và gìn giữ môi trường. Thỏa thuận đạt được ngày hôm nay ở Atlanta sẽ thỏa mãn những điều này”.

Trong khi đó, tờ "Người bảo vệ" (The Guardian) dẫn lời Tổng thống Obama nói rằng TPP sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng, từ nông dân tới các nhà máy chế tạo thông qua việc dỡ bỏ hơn 18.000 thuế nhập khẩu.

Mỹ, Australia và Nhật Bản đều gọi TPP là một cuộc đàm phán “đầy tham vọng” và “thách thức”, trong đó hướng tới việc dỡ bỏ các thủ tục hành chính quan liêu và định ra các quy định cho thương mại trong thế kỷ 21.

TPP là một nhân tố chủ chốt trong “mũi tên thứ ba” của chương trình cải cách kinh tế mà Thủ tướng Nhật Bản thực hiện.

Ảnh: Reuter/TTXVN

Khi chính thức có hiệu lực, TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chi phối tới 40% kinh tế toàn cầu, cũng như tạo ra một khối kinh tế mới ở Thái Bình Dương, với chủ trương giảm bớt các rào cản thương mại đối với các sản phẩm từ thịt bò, bơ sữa đến hàng dệt may, đồng thời áp đặt các tiêu chuẩn và quy định mới về đầu tư, môi trường và lao động.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, hiệp định này cần được lãnh đạo các nước tham gia đàm phán ký cũng như nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội các nước thành viên. Tại Mỹ, Tổng thống Obama có lẽ sẽ khó tránh được một “cuộc chiến” cam go tại Quốc hội vào năm tới.

Thỏa thuận đạt được ngày 5/10 cũng đánh dấu một thắng lợi nữa cho Tổng thống Obama sau khi Mỹ và các đối tác đàm phán châu Âu đã đạt được một thỏa thuận ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, ông Obama cũng bước đầu thành công trong việc đưa Mỹ và Cuba tiến tới việc bình thường hóa quan hệ sau nhiều thập niên.

Xét trên góc độ toàn cầu, việc hoàn tất đàm phán TPP sẽ gây sức ép lên Liên minh châu Âu (EU) phải sớm kết thúc Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ, cũng như gây sức ép lên các nước như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại khu vực.

Vào thời điểm Vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha 14 năm tuổi vẫn chưa thoát khỏi thế bế tắc, còn Mỹ và EU chuyển trọng tâm đàm phán sang các thỏa thuận lớn cấp khu vực, TPP được đánh giá sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tự do hóa thương mại trên toàn cầu.
Như Mai (TTXVN tại London)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục