Trà Vinh: Nuôi bò thịt và vỗ béo có lãi hơn 50%

09:12' - 08/09/2019
BNEWS Với giá bò thịt từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, từ 180.000 - 190.000 đồng/kg thịt bò hơi, người nuôi bò thịt và vỗ béo ở tỉnh Trà Vinh có lãi hơn 50% trong thời gian 12 tháng nuôi.
Người nuôi bò thịt và vỗ béo ở tỉnh Trà Vinh có lãi hơn 50% trong thời gian 12 tháng nuôi. Ảnh minh họa: TTXVN

Từ đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích nông dân trong tỉnh phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản nhằm tận dụng lợi thế của tỉnh có nhiều phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn bò nuôi. Nhờ đó, tổng đàn bò của tỉnh hiện có trên 200.000 con, tăng hơn 20% so với năm 2018.

Điều phấn khởi cho người nuôi bò là giá bò thịt từ đầu năm đến nay luôn ở mức cao, từ 180.000 - 190.000 đồng/kg thịt bò hơi. Với mức giá này, người nuôi bò thịt và vỗ béo có lãi hơn 50% trong thời gian 12 tháng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Son, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết, từ đầu năm 2019, trước tình hình dịch bệnh và giá thịt lợn hơi bấp bênh, giá thức ăn công nghiệp cho lợn luôn ở mức cao nên ông chuyển chuồng nuôi lợn sang nuôi vỗ béo 4 con bò thịt.

Bò giống được ông mua với giá từ 10 – 12 triệu đồng/con bò đực, ở khoảng 6 – 7 tháng tuổi, nặng từ 50 – 60 kg/con. Sau 7 tháng nuôi, hiện bò đã đạt trọng lượng khoảng 90 – 100 kg/con, ước tính với giá bò hơi như hiện nay, ông có lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/con.

Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh có nguồn phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, cây đậu phộng, cây ngô và nhiều diện tích đất khó canh tác lúa, cây màu để chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò. Đây là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh nên ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi bò sinh sản và bò thịt.

Huyện Cầu Ngang là địa phương đang dẫn đầu về tổng đàn bò của tỉnh. Để hỗ trợ nông dân phát triển đàn bò, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho bò từ cây ngô, rơm…

Ngoài ra, các địa phương trong huyện còn khuyến khích nông dân tận dụng các diện tích bờ kênh thủy lợi, đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để tăng đàn bò nuôi. Nhờ vậy, tổng đàn bò của huyện hiện có gần 49.000 con, tăng hơn 2.000 con so với cuối năm 2018./.

Xem thêm:

>>Nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao

>>Ký thỏa thuận hợp tác xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục