Trang trại bò sữa “thân thiện với bò” ở Nhật Bản

17:39' - 07/02/2023
BNEWS Nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, Miyazaki là một trong những tỉnh đứng đầu “đất nước Mặt trời mọc” về số lượng bò sữa.

Nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, Miyazaki là một trong những tỉnh đứng đầu “đất nước Mặt trời mọc” về số lượng bò sữa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các trang trại bò sữa ở Miyazaki đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động vì thiếu lao động.

 

Để giải quyết vấn đề này, một số trang trại đã áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất. Honbu Farm ở thị trấn Shintomi, phía Đông tỉnh Miyazaki, là một trong những trang trại như vậy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ông Hirohisha Honbu, Giám đốc Honbu Farm, cho biết: “Hiện nay, trang trại đang nuôi khoảng 250 con bò sữa. Với khẩu hiệu “Chăn nuôi bò sữa thân thiện với bò”, thời gian qua, Honbu Farm đã ứng dụng nhiều công nghệ mới vào hoạt động chăn nuôi để vừa khắc phục tình trạng thiếu nhân lực và giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao chất lượng sữa bò”.

Theo ông Honbu, năm 2019, Honbu Farm đã đầu tư lắp đặt hệ thống tự động kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bằng cảm biến và quạt trong các chuồng bò nhằm tạo ra một môi trường lý tưởng nhất cho các chú bò phát triển. Để theo dõi tình trạng động dục và các thông tin khác của bò, trang trại này đã gắn các thẻ cảm biến vào cổ của chúng. Các thẻ này có khả năng tự động ghi lại và phân tích hành vi của từng chú bò để đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp nhất. 

Bên cạnh đó, Honbu Farm cũng lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn tự động nhằm giúp cho các chú bò có thể ăn bất cứ khi nào chúng muốn và đầu tư mua một robot vắt sữa bò tự động. Khi bầu vú của các con bò sữa căng đầy, chúng sẽ tự đi đến hệ thống vắt sữa tự động.

Người chủ trang trại này chia sẻ việc ứng dụng các công nghệ mới đã giúp Honbu Farm cắt giảm thời gian lao động xuống còn khoảng 25% so với trước đây. Nhờ vậy, trang trại có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc mở rộng sản xuất ngô và cỏ để làm thức ăn cho chăn nuôi, qua đó giảm bớt tác động của việc thức ăn chăn nuôi tăng giá. Bên cạnh đó, được nuôi dưỡng trong một môi trường thân thiện, các chú bò cũng cho các sản phẩm sữa có chất lượng cao hơn.

Cùng với việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động chăn nuôi, Honbu Farm cũng đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất khí sinh học từ phân bò và nước thải từ hệ thống vắt sữa tự động ngay ở trong trang trại nhằm giảm bớt nhân công trong hoạt động xử lý phân gia súc và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Theo ông Honbu, trước đây, phân bò chỉ được xử lý bằng cách ủ nên đòi hỏi chi phí xử lý và nhân công khá cao. Tuy nhiên, sau khi cơ sở trên đi vào hoạt động vào năm 2020, Honbu Farm đã sử dụng khí methane mà cơ sở này sản xuất ra để chạy máy phát điện và sau đó bán điện cho Công ty Điện lực Kyushu.

Chất lỏng còn lại sau khi chiết xuất khí methane sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng ngô, trong khi chất rắn còn lại sẽ được sử dụng làm lớp lót chuồng. Nhờ vậy, Honbu Farm đã giảm được chi phí đáng kể chi phí chăn nuôi.

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2021, Honbu Farm bắt đầu tham gia vào dự án nghiên cứu công nghệ nông nghiệp thông minh của Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản. Với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ trong dự án này như Công ty TNHH Biomass Research và Glencal Technology Inc., thời gian qua, Honbu Farm đã cô đặc các chất thải từ cơ sở sản xuất khí sinh học để làm phân bón và đưa vào vận hành một hệ thống rải phân tự động. Các công nghệ mới này đã giúp Honbu Farm cắt giảm đáng kể chi phí xử lý, vận chuyển và bón phân.

Ông Honbu khẳng định: “Chúng tôi mong muốn tự động hóa hầu hết các hoạt động của mình và sản xuất sữa và ngũ cốc trong một môi trường canh tác chất lượng tốt hơn. Trong tương lai, chúng tôi hướng đến mục tiêu đưa hoạt động chăn nuôi bò sữa trở nên thân thiện với bò, với môi trường và người lao động”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục