Tranh cãi xung quanh việc châu Âu trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc

07:05' - 12/05/2016
BNEWS Tờ Huffington Post số ra mới đây cho rằng việc châu Âu công nhận quy chế thị trường cho Trung Quốc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Tranh cãi xung quanh việc châu Âu trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Ảnh: hongkongfp.com

Vào cuối năm nay, giới chức châu Âu sẽ phải đưa ra một quyết định chiến lược ảnh hưởng tới tương lai của nền kinh tế khu vực. Đó là có trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc hay không.

Theo quy định, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên quyền được công nhận hoặc phủ nhận một quốc gia thành viên khác có nền kinh tế thị trường hay không.

Cho tới nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa trao quy chế này cho khoảng 15 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Ngay từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, EU đã coi nền kinh tế Trung Quốc không phải là kinh tế hàng hóa. Kể từ đó, Bắc Kinh đã tiến hành những cải cách để rồi sau đó nhận được thỏa thuận trong một văn kiện với EU rằng sẽ xem xét về quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc vào năm 2016.

Quy chế này có được tự động công nhận hay không và điều kiện để được công nhận là gì thì thỏa thuận trên không đề cập rõ.

Theo một số chuyên gia, 15 năm sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc không trở thành một nền kinh tế thị trường. Nước này không tôn trọng các quy định và nguyên tắc áp dụng cho các thành viên chủ chốt của WTO, cũng như không tôn trọng những cam kết đã tuyên bố.

Đó là lý do tại sao quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và một số đối tác không được cân bằng. Chẳng hạn, theo quy định, mức thuế mà EU áp trên hàng hóa xuất khẩu là 10%, song con số này của Trung Quốc chỉ là 5%.

Trung Quốc không đưa ra được những bằng chứng nghiêm túc và lâu dài về mong muốn mở cửa thị trường, trong khi ngăn cản các công ty nước ngoài thâm nhập thuận lợi vào thị trường, không đảm bảo cho đầu tư của nước ngoài tại Trung Quốc và không tuân thủ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc có các hành vi cạnh tranh thương mại không công bằng khi bán phá giá hàng hóa với giá thấp bất thường, thậm chí là chấp nhận lỗ trên thị trường châu Âu. Điều này đã gây hại cho ngành công nghiệp khu vực.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng Trung Quốc phá giá đồng tiền khi điều đó tốt cho kinh tế nước này, áp đặt các loại thuế lên những hàng hóa chiến lược, chẳng hạn như đất hiếm. Chưa kể, Chính phủ Trung Quốc còn can thiệp vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng như ngành ngân hàng hoặc công nghiệp và kiểm soát việc định giá các sản phẩm và dịch vụ cơ bản.

Cuối cùng, Trung Quốc không thể hiện quyết tâm chấm dứt việc bán phá giá đối với rất nhiều loại mặt hàng. Trung Quốc là một trong những quốc gia chính mà EU phải áp đặt các biện pháp chống bán phá giá.

Cho tới cuối năm 2015, EU đã đưa ra 52 biện pháp chống bán phá giá nhắm vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tờ Huffington Post cho rằng, nếu Trung Quốc có được quy chế thị trường, châu Âu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ mình trước các sản phẩm từ Trung Quốc hay triển khai các biện pháp chống bán phá giá.

Các nhà sản xuất châu Âu sẽ không được bảo vệ và nguy cơ thị trường châu Âu sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, với ước tính nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng 25-50%.

Bài báo trên tờ Huffington Post kêu gọi cần mở rộng (ra ngoài giới chuyên gia) cuộc thảo luận về việc có hay không trao quy chế thị trường cho kinh tế Trung Quốc.

Các công dân châu Âu cần phải có tiếng nói để nâng cao trách nhiệm của giới lãnh đạo EU và các chính phủ thành viên khi đưa ra quyết định có tầm quan trọng chiến lược này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục