Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại cho các nhà bán lẻ Mỹ

21:38' - 07/04/2018
BNEWS Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn hại cho các nhà bán lẻ Mỹ, trong trường hợp các lệnh áp thuế được thực thi và giá cả sẽ bị đội lên cùng với hàng hóa có nguy cơ thiếu hụt.
Người dân Mỹ mua sắm tại Paramus, bang New Jersey. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối ngày 5/4 đã chỉ thị cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xem xét khoản thuế bổ sung đối với hàng hóa với trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc. Trước đó ngày 3/4, USTR đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép các công ty và doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ".

Quyết định áp thuế của Mỹ là nhằm buộc Trung Quốc giải quyết vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, song một số nhà bán lẻ và doanh nghiệp Mỹ coi đây như một hồi chuông cảnh báo. Hai mặt hàng Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc trong năm ngoái là thiết bị máy tính và viễn thông, với tổng trị giá lên tới 137 tỷ USD, trong đó máy tính và điện thoại di động là những sản phẩm chủ chốt trong bảng danh mục này. Ngoài ra, các sản phẩm may mặc Trung Quốc cũng đóng góp 39 tỷ USD vào tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Jonathan Gold, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng việc áp thuế mới sẽ đánh vào nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn, trong đó có quần áo, đồ gia dụng, giày dép. Trong một báo cáo thường niên, nhà bán lẻ Target Corp, cho biết việc áp thuế mới sẽ có gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty này, giữa bối cảnh Trung Quốc đang là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của công ty.

Các chuyên gia lưu ý rằng nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra, những nhà bán lẻ có chuỗi cung ứng quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu sẽ chịu thiệt hại ít hơn. Trong một thập kỷ qua, một số nhà bán lẻ đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Bangladesh và Indonesia, do chi phí sản xuất tại Trung Quốc gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục