Tránh hoạt động truyền tải trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung

16:54' - 24/10/2018
BNEWS Cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, điều này mang đến một số cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN 

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tại Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24/10.

Tiến sĩ Phạm Sĩ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thông tin, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động lớn tới hai nền kinh tế hàng đầu thế giới mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế khác; trong đó, có Việt Nam.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam; trong đó, Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên, vật liệu sản xuất và Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường này.

Ngược lại, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất siêu vào thị trường Mỹ. Những tác động của cuộc chiến thương mại này tới các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả tích cực và tiêu cực.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường đại học Fulbright Việt Nam phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ban đầu chỉ nhắm tới các mặt hàng trung gian phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị cơ khí, điện tử nhưng hiện nay đã áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng bao gồm đồ gỗ nội thất, nông sản, túi xách, va li….

Do đó, tác động tới thị trường tiêu dùng cũng sâu rộng hơn.

Việc hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao khi vào Mỹ được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng Việt Nam có lợi thế tương đối như đồ gỗ nội thất, thủy sản, hàng thuộc da va li, túi xách…

Theo ước tính, việc áp thuế mới của Mỹ sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm từ 7 - 8 tỷ USD, nhưng do nhu cầu thị trường không giảm nên Mỹ sẽ phải tìm nguồn cung thay thế.

Đó là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Tương tự, sản phẩm tôm, va li , túi xách của Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh hơn về giá so với hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh những lợi thế này chỉ dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và chia đều cho nhiều quốc gia đang xuất khẩu vào Mỹ chứ không riêng gì doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang các thị trường khác hoặc khai thác thị trường nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn với hàng Trung Quốc.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thị trường Mỹ cần nguồn cung thay thế và đó là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc mà còn cạnh tranh với nhiều quốc gia khác và họ cũng đang nỗ lực để tận dung cơ hội này để gia tăng thị phần vào Mỹ.

Do đó, cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ chỉ mới tạo ra cơ hội, còn việc doanh nghiệp Việt có nắm bắt được cơ hội hay không lại tùy thuộc vào năng lực của mỗi doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh về giá cả…

Một vấn đề khác cần được quan tâm là Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt.

Hoạt động này có thể được thực hiện đơn giản bằng việc nhập khẩu, tái xuất hoặc phức tạp hơn bằng cách thực hiện chế biến giả tại Việt Nam thông qua một doanh nghiệp nội địa hoặc doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, bên cạnh việc tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để tránh tiếp tay cho hoạt động chuyển tải của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Vì chỉ cần một doanh nghiệp Việt tham gia và bị Mỹ phát hiện thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho toàn bộ ngành hàng và cả quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Về phía Nhà nước và các cơ quan quản lý Việt Nam, cần có biện pháp kiểm soát tốt và ngăn chặn được vấn đề chuyển tải.

Cụ thể, để tránh trường hợp hàng hóa Trung Quốc mượn tên Việt Nam để xuất khẩu, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp đảm bảo các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do.

Nhà nước cũng cần ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về hàm lượng nội địa trong các sản phẩm “made in Vietnam” và giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp xuất khẩu.

Chỉ khi chúng ta kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa và tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm thì mới biến cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường sang Mỹ thành hiện thực và duy trì được một cách lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục