UNCTAD: Cuộc chiến thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu suy giảm trở lại

06:30' - 06/10/2018
BNEWS Cuộc chiến thương mại do chính quyền Mỹ khơi mào nếu tiếp tục leo thang có thể sẽ khiến kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ mất đà tăng trưởng và có thể suy giảm trở lại.
Tàu chở hàng ra vào cảng Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Đó là lời dự đoán được đưa ra trong báo cáo thường niên về Thương mại và Phát triển năm 2018 do Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố trên báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong.

Cụ thể, nếu các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc dẫn tới cuộc chiến thương mại thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019-2023), nhịp độ tăng trưởng sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại.

Báo cáo trên cho rằng tình trạng này sẽ khiến các nước có xuất siêu thương mại bị thu hẹp lại, như Trung Quốc, Nhật Bản, sẽ hạ tỷ giá hối đoái tiền tệ nhằm duy trì sức cạnh tranh. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp cắt giảm mức lương công nhân sẽ dẫn đến sự suy giảm nhu cầu và đầu tư trong nước.

Báo cáo thường niên của UNCTAD nhận định 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính (2008-2018), nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, đặc biệt sự leo thang không ngừng của hàng rào thuế quan thương mại thời gian gần đây là một mối quan ngại lớn hơn, bởi vì nó sẽ làm nhiễu loạn hệ thống thương mại quốc tế, làm gia tăng tính bất ổn của thị trường và thu hẹp đầu tư, từ đó tác động tai hại cho sự phát triển kinh tế trung hạn trên toàn cầu.

Báo cáo cảnh báo rằng sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước trên thế giới không những không xây dựng chính sách tốt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tái diễn, ngược lại còn cho phép các cơ quan tài chính lớn tăng trưởng thiếu kiểm soát, nợ chính phủ cũng tiếp tục phình ra trong thời gian gần đây, hình thành nên những rủi ro mới.

Báo cáo chỉ rõ quy mô của các ngân hàng trên toàn cầu và các ngân hàng ngầm đã tăng lên 160.000 tỷ USD, gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế toàn cầu hiện nay; khối lượng nợ toàn cầu đã tăng lên gần 250.000 tỷ USD, hơn một nửa so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông Richard Kozul-Wright, Chủ nhiệm Ban Chiến lược Toàn cầu hóa và Phát triển của UNCTAD, mô tả: “Nền kinh tế toàn cầu cũng giống như đi trên dây cáp, bị lắc lư giữa sự bất ổn của nền kinh tế và tài chính do nợ mang đến. Quá khứ lịch sử cho chúng ta thấy rằng sự thịnh vượng kinh tế do các khoản vay nợ đem lại thường sẽ không có một cái kết tốt đẹp”.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực nghiệm mô phỏng trên mô hình máy tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của chính ECB, đặt ra trường hợp Mỹ áp đặt mức thuế 10% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu, các nước bị áp thuế có các biện pháp trả đũa tương ứng. 

Kết quả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 2% trong năm đầu của cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp giảm đầu tư và cắt giảm biên chế. Trong khi đó, thương mại toàn cầu sẽ chịu tổn thất 3%. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác, qua đó sẽ giảm nhập khẩu từ Mỹ của các nước này.

Tin tức nói rằng đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc đã có hiệu lực và đây là đòn “mạnh tay” nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

Bắc Kinh đã hủy đàm phán thương mại theo kế hoạch diễn ra vào tuần trước, một chỉ dấu cho thấy tình trạng thù địch giữa hai "gã khổng lồ" trên thế giới ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh tranh chấp thương mại biến thành thương chiến trên nhiều lĩnh vực, bài viết mới đây trên trang Forbes nêu bốn vấn đề cần lưu tâm. 

Thứ nhất, phản ứng của người dân Trung Quốc. Mặc dù hoạt động hợp tác và giao lưu ngày càng tăng song Trung Quốc muốn tìm hiểu và thậm chí là ngưỡng mộ Mỹ. Tuy nhiên, thái độ tích cực ấy đối với Mỹ đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều người Trung Quốc coi các đòn thuế quan là một phần trong đại mục tiêu của Washington nhằm cản trở sự trỗi dậy của Bắc Kinh. 

Thứ hai, doanh nghiệp Mỹ trông đợi ai: Chuỗi cung ứng có thể thay đổi, song nỗi lo sợ to lớn hơn trong ngành công nghệ là việc chi phí sản xuất gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực trọng yếu, ví dụ phát triển mạng 5G. Đòn thuế của Trung Quốc cũng đánh mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và lương thực của Mỹ. 

Điều này là nhằm gây tổn hại chính quyền Trump về mặt chính trị song có thể dẫn đến sự tổn hại kéo dài hơn đối với nông dân Mỹ ngay cả khi chính phủ trợ cấp ngắn hạn nhằm giảm nhẹ đòn thuế của Bắc Kinh. Mặc dù động thái đáp trả của Trung Quốc không “ăn nhằm” gì so với đòn thuế của Mỹ, nhưng nước này vẫn có nhiều chiêu trò đối đáp. Các công ty của Mỹ hoạt động ở Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng. 

Thứ ba, cách đối phó của Chủ tịch Tập Cận Bình: Không nên kỳ vọng ông Tập sẽ đưa ra những nhượng bộ, ít nhất một cách công khai. Bắc Kinh sẽ nỗ lực ve vãn các nước khác trên thế giới thông qua thương mại và hỗ trợ kinh tế, củng cố mạng lưới đồng minh và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Họ đã đầu tư đáng kể vào các nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi và Đông Nam Á và mới đây nhất là đã có tiến triển trong quan hệ với Tòa thánh Vatican. 

Những hành động của ông Trump có thể làm thay đổi trật tự toàn cầu hóa hiện nay còn Trung Quốc và các công ty của họ lại tăng cường mối quan hệ đối tác thương mại khu vực

Thứ tư, ông Trump sẽ làm gì khi Trung Quốc không nhượng bộ. Hiện không rõ ông Trump sẽ làm gì trừ việc tuyên bố mình là người thắng cuộc bất chấp kết cục như thế nào, khi Trung Quốc không chịu nhượng bộ. Sau bầu cử, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu ông Trump thay đổi lập trường một lần nữa. Thung lũng Silicon và Wall Street không “chống lưng” ông Trump về chính sách thương mại và tầm ảnh hưởng của họ ở Washington chưa hề suy giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục