USMCA tác động như thế nào đối với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

07:13' - 21/10/2018
BNEWS Giới quan sát cho rằng với việc ký kết Hiệp định NAFTA phiên bản 2.0 với Mỹ - có tên mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - Canada dường như đứng về phe Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Quốc kỳ Canada, Mexico và Mỹ tại một vòng tái đàm phán NAFTA ở Ontario, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Một ngày sau khi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) ra mắt, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Larry Kudlow khẳng định: “Toàn bộ Bắc Mỹ nay đã đoàn kết chống lại hiện tượng mà tôi gọi là những hoạt động thương mại không công bằng”.

Nhà Trắng cho rằng những hành vi thương mại của Trung Quốc là căn nguyên dẫn đến những rủi ro đối với kinh tế Mỹ. Nhưng trong bối cảnh Canada cần tìm kiếm hướng đi mới (không dựa vào Mỹ) để phát triển kinh tế, nhiều quan chức Canada cho rằng vấn đề lớn nhất của Canada trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đó là giao thương giữa hai nước chưa đủ mạnh.

Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Canada có lẽ đã muốn giữ quan điểm trung lập. Nhưng sau khi chính quyền Tổng thống Trump không dành cho Canada quyền được miễn trừ mức thuế quan đánh vào nhôm và thép, thậm chí còn đe dọa đánh thuế vào ô tô của Canada, thì chính quyền Trudeau đã buộc phải lựa chọn.

Hồi tháng 6/2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế trừng phạt đối với nhôm và thép của Canada và Mexico. Mặc dù Canada và Mexico mới đây đã nhất trí với Mỹ về điều chỉnh NAFTA, nhưng những biện pháp thuế trên hiện vẫn tồn tại.

Đối với Canada, ở trong “bức tường thuế quan” của Mỹ là phương án tốt hơn nằm ngoài. Hiện Canada mặc dù đang tiếp tục yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mức thuế quan đánh vào nhôm và thép (mà Mỹ viện dẫn là vì “an ninh quốc gia”), thì việc Canada ký kết USMCA có thể sẽ giúp “bình thường hóa” các mức thuế quan này. Canada hiện là nhà cung cấp nhôm và thép lớn nhất sang thị trường Mỹ.

Đặc biệt, mới đây, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau đã công bố các biện pháp “bảo vệ khẩn cấp” đánh vào thép nhập khẩu. Giới phân tích nhận định đây là một thông điệp mà Canada gửi đến Mỹ, đó là Canada muốn “bảo vệ” Mỹ.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 25/10, Canada sẽ áp thuế nhập khẩu thép 25% đối với những trường hợp có mức nhập khẩu vượt quá mức thông thường. Nằm trong diện bị áp hạn ngạch và mức thuế mới có thép tấm nặng, thanh cốt thép, các sản phẩm ống thép năng lượng, thép tấm cán nóng, thép mạ kẽm… và một số sản phẩm khác.

Washington lo ngại rằng một số quốc gia sẽ tuồn nhôm và thép vào Canada, “ngụy tạo” như các sản phẩm này được sản xuất tại các cơ sở ở Canada và biến Canada trở thành sân đệm để đẩy hàng vào Mỹ. Để giải quyết các mối lo ngại này của Washington, Chính phủ Canada đã áp dụng những biện pháp trên nhằm ngăn chặn làn sóng nhập khẩu thép có nguy cơ tăng lên.

Giới quan sát cho rằng, nối gót Canada, có thể một số nền kinh tế khác cũng sẽ đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông Kudlow trong một phát biểu mới đây cho biết, nếu các cuộc đàm phán của Mỹ thành công, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ gia nhập liên minh chống lại nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ, hành vi thao túng tiền tệ và những rào cản thương mại không công bằng từ Trung Quốc. 

Trả lời phỏng vấn Fox Business, cựu Thủ tướng Canada Stephen Harper nhận định Mỹ không thể để một đối thủ như Trung Quốc “khai thác” thị trường Mỹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với Canada, để đàm phán về một mối quan hệ thương mại tích hợp với cả Mỹ và Trung Quốc là điều không thể. Theo nghị sỹ Bảo thủ Michael Chong, Chính phủ Canada đã cần thỏa thuận này (USMCA) đến nỗi mà nay Canada phải “xin phép” Washington để đàm phán thương mại với một số nước.

Nghị sỹ này nhận định: chương 32 trong USMCA đã biến Canada trở thành “một nước chư hầu”. Theo Chương 32 trong USMCA, một quốc gia thành viên của USMCA phải thông báo và cung cấp thông tin cho hai nước thành viên còn lại nếu nước này có kế hoạch đàm phán về hiệp định thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa, cho rằng điều 10 của chương 32 trong hiệp định USMCA không khác gì một hành động “khống chế” chính trị của Mỹ. Trung Quốc cho rằng Nhà Trắng sử dụng điều khoản này để ngăn cản Canada và Mexico giao dịch thương mại với Trung Quốc. Mặc dù điều khoản này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng giới phân tích đánh giá đây là một đòn tấn công nhằm vào Bắc Kinh.

Trong khi đó, người phát ngôn của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh quan điểm của chính phủ nước này rằng không có điều gì trong hiệp định thương mại mới (USMCA) có thể ngăn cản Canada làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với các nước khác.

Derek Burney, một chuyên gia kỳ cựu của Canada trong lĩnh vực thương mại ở khu vực Bắc Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích Peter Navarro – một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump – về việc đã đưa vấn đề Trung Quốc vào văn bản hiệp định USMCA./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục