Trao đổi kinh nghiệm xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện

21:56' - 03/06/2022
BNEWS Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dự án đốt rác phát điện của thành phố Cần Thơ là dự án mới trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ này giúp xử lý rác triệt để, bảo vệ môi trường.

Chiều 3/6, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành chức năng tiếp và làm việc với đoàn công tác tỉnh Đồng Nai đến tham quan, tìm hiểu về Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác thải sinh hoạt) Cần Thơ.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, dự án đốt rác phát điện của thành phố Cần Thơ là dự án mới trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ này giúp xử lý rác triệt để, bảo vệ môi trường.

Do đó, Đồng Nai mong muốn tìm hiểu về dự án Nhà máy đốt rác phát điện của thành phố Cần Thơ, bắt đầu từ khâu tổ chức thu gom rác từ hộ dân đến công tác vận chuyển đến nhà máy để xử lý, cũng như các thủ tục, quy trình kêu gọi đầu tư đối với dự án này.

Thông tin với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện Đồng Nai có dân cư khá đông với hơn 3,2 triệu người, lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 2.000 tấn. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác từ 34 khu công nghiệp của tỉnh, việc xử lý rác mỗi ngày khá phức tạp.

Đồng Nai đã có nhà máy xử lý rác, tuy nhiên việc xử lý triệt để và tổ chức đưa hơn 2.000 tấn rác vào rác khu xử lý mỗi ngày gặp khá nhiều khó khăn. Tại Đồng Nai, một số nhà máy đã tiến hành phân loại, tái chế một số loại rác, còn lại khoảng 15% (tương đương khoảng 300 tấn) phải đem chôn lấp.

Tuy nhiên, việc xử lý số rác trên bằng cách chôn lấp cần diện tích đất lớn, do đó tỉnh phải tính toán để giảm tối đa lượng rác xử lý theo cách này.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai đã trao đổi, tìm hiểu về quá trình khảo sát, thành lập chủ trương, kêu gọi đầu tư, quá trình xây dựng, thu gom và vận chuyển rác… Các vấn đề trên được lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các sở, ngành, UBND huyện Thới Lai giải đáp.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, từ khi nhà máy hoạt động (từ ngày 15/10/2018) đến nay luôn ổn định, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường và an toàn trên địa bàn. Việc thu gom, phân loại rác trong dân thực hiện đúng quy trình, theo tiêu chuẩn, và đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe, môi trường.

Thời gian tới, thành phố duy trì và phát huy tốt các hoạt động trên, đảm bảo quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải từ hộ dân đến nhà máy xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

Nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ được đặt tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai.

Sau thời gian thi công 12 tháng, nhà máy hoàn thành và tiếp nhận xử lý rác từ ngày 15/10/2018. Hiện nay, mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 520 tấn/ngày rác tươi xử lý bằng công nghệ đốt, phát điện với công suất 7,5 MW.

Phạm vi nhà máy tiếp nhận chất thải rắn và xử lý rác thải của 6 quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Thới Lai, chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của thành phố Cần Thơ.

Nhà máy nằm trên diện tích 5,3 ha với tổng vốn đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Thời gian hoạt động của Nhà máy là 20 năm.

Tháng 9/2020, Nhà máy được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành 5 công trình bảo vệ môi trường gồm: Công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình, thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại và công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác.

Ngoài ra, hàng năm nhà máy thực hiện báo cáo giám sát môi trường đầy đủ theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường…/.

>>>Quá tải bãi xử lý rác thải tại huyện Đăk Glei, Kon Tum

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục