Trẻ từ 5-11 tuổi gặp phản ứng gì sau tiêm vaccine phòng COVID-19?

10:30' - 07/04/2022
BNEWS Phản ứng sau tiêm vaccine thường xảy ra với hầu hết các loại vaccine phòng bệnh, song do COVID-19 là bệnh mới nên cần theo dõi các phản ứng sau tiêm đối với trẻ em từ 5-11 tuổi.

Phản ứng trẻ thường xảy ra sau tiêm vaccine COVID-19

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Với vaccine Pfizer, các phản ứng thường gặp phổ biến là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, biểu hiện mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2 so với liều thứ 1, khoảng 50-80%), sưng tại chỗ tiêm, buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm (khoảng 10%).

Các phản ứng rất ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn như phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.

Các phản ứng rất hiếm gặp từ 1/10.000 đến 1/1.000.000 liều vaccine sử dụng là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Hiện nay, "chúng tôi chưa ghi nhận báo cáo nào tại các quốc gia đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (từ đầu năm 2022 đến nay) gặp phản ứng về viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

PGS.TS Dương Thị Hồng đặc biệt lưu ý, vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khác hoàn toàn so với vaccine tiêm cho người lớn, từ hình thức, đóng gói, liều lượng... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ, các cơ sở tiêm chủng vẫn phải thực hiện tiêm nhắc lại cho người trên 18 tuổi. Vì vậy, nhân viên y tế cần hết sức cẩn trọng trong quy trình tiêm chủng, tránh nhầm lẫn giữa 2 loại vaccine này.

Vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đóng gói có nắp màu cam, liều 0,2 ml chứa 10 mcg vaccine mRNA, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Mỗi lọ chứa 10 liều.

Với vaccine Moderna, các phản ứng rất thường gặp ở trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi là sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác ở cổ, trên xương đòn, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng được báo cáo nhiều nhất ở nhóm đối tượng này sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn, nôn (29,3%), sưng, đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24%), sưng tại vị trí tiêm (22,3%), đau khớp (21,3%).

Các phản ứng ít gặp hơn gồm tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm (khoảng 1-10%).

Các phản ứng ít gặp gồm chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Các phản ứng hiếm gặp như giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. Phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và hiện nay chưa ghi nhận của các quốc gia khác.

Vaccine Moderna có liều sử dụng cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi bằng 1/2 liều cơ bản so với liều sử dụng cho người lớn. Liều cho trẻ em 0,25 ml chứa 50 mcg vaccine COVID-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipid). Vaccine này có dạng hỗn dịch tiêm có màu trắng đến trắng ngà. Một lọ vaccine Moderna sẽ tiêm được 20 liều. Trẻ tiêm vaccine Moderna 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày.

Các chuyên gia y tế cũng đặc biệt lưu ý, sau tiêm, trẻ phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau tiêm, trong đó 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ và chăm sóc 24/24, tránh để trẻ vận động mạnh.

Theo Bộ Y tế, cả nước sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ tháng 4 này ngay khi vaccine được cung ứng. Việc triển khai sẽ được thực hiện tại trường học, các cơ sở tiêm cố định và lưu động. Các địa phương sẽ triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.

Cha me nên chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm?

Để giúp trẻ thoải mái hơn trước, trong và sau tiêm chủng, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên trao đổi với trẻ về tầm quan trọng của tiêm vaccine phòng COVID-19. Cha mẹ cũng nên cho con ăn uống đầy đủ, tránh bị đói, khát trước khi tiêm. Thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2...

Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vaccine khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.

Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, cha mẹ cũng nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

>>> Điều kiện gì để được cấp hộ chiếu vaccine?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục