Trên 170 doanh nghiệp tham gia Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo 2020

10:56' - 09/12/2020
BNEWS Trong 3 ngày diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp tham gia sẽ giới thiệu các sản phẩm chủ đạo, với những công nghệ mới nhất ra thị trường; các thương hiệu lớn như Toyota, Trường Hải
Sáng 9/12, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE Hà Nội, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Công ty QC & HC Triển lãm C.I.S Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2020 với gần 250 gian hàng của hơn 170 doanh nghiệp.
 

VIMEXPO với quy mô ấn tượng của lần triển lãm chuyên ngành lần đầu tiên, tổ chức trên diện tích 5.000 m2. Với mục tiêu “Kết nối để phát triển”, đây là sự kiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Triển lãm đã nhận được sự tham gia và ủng hộ rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, hiệp hội chuyên ngành, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hõ trợ.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, trong quá trình công nghiệp hóa, các ngành chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ luôn là trọng tâm của Việt Nam trong giai đoạn phát triển vừa qua và tới đây. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đang tạo nền tảng và tiền đề quan trọng cho Việt Nam phát triển bền vững và phát triển công nghiệp hóa.
 
Mặc dù đây là chương trình tổ chức lần đầu tiên chuyên ngành về phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, nhưng đã quy tụ các ngành nghề quan trọng trong công nghiệp, có sự tham gia dự của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế hiện nay. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác, liên kết… nhằm tham gia chuỗi cung ứng mới. Đồng thời, các hiệp hội ngành hàng, cơ quan, tổ chức tiếp tục nhìn nhận, xây dựng chính sách, để thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo phát triển.
 
Tại triển lãm, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự trong việc hỗ trợ Việt Nam nâng khả năng của doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi nhà cung cấp toàn cầu. Nhiều nhà cung cấp đã nhận được đơn đặt hàng, sản xuất các sản phẩm phức tạp. Đây mới là điểm đầu và chúng tôi luôn mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, thúc đẩy mỗi liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước”.
 
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ - ông Ivo Sieber, công nghiệp chế biến chế tạo những năm gần đây đã trở thành trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với việc ký kết các hiệp định thương mại, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước còn chưa đáp ứng dầy đủ tiêu chuẩn, chuẩn mực đưa ra bởi các công ty quốc tế - những doanh nghiệp đầu đàn, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng, bền vững.
 
“Thụy sĩ có thể hỗ trợ và cam kết đồng hành mạnh mẽ với Việt Nam trong việc nâng cấp năng lực cho  doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện chất lượng sản phẩm để   hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp tại triển lãm lần này đã tham gia chương trình phát triển do Thụy Sĩ tài trợ cũng đã có những bước thay đổi lớn, đột phá…”, Đại sứ Ivo Sieber nói.  
 
Trong 3 ngày diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp tham gia sẽ giới thiệu các sản phẩm chủ đạo, với những công nghệ mới nhất ra thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ô tô, như: Công ty Tinh Hà, Ema, Kokwang, Kim Sen, Delta, Bắc Việt, ToKo, Công nghiệp Việt, Trường Hải… có tổng quy mô tham dự hơn 100 gian hàng.
 
Ở lĩnh vực điện tử, công nghệ cao có sự tham gia của Samsung, M3, Viettel, ABB, Biển Đông, Asti, Graphtech, 3D Solutione… có tổng quy mô gần 80 gian hàng. Lĩnh vực dệt may, da giày, cao su và các lĩnh vực liên quan với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp và gần 50 gian hàng tại triển lãm
 
Trong các ngày diễn ra triển lãm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan và tổ chức chuyên ngành liên quan tổ chức 2 hội thảo quan trọng với chủ đề “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Tiềm năng và Cơ hội” và “ Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
 
Các hội thảo tổ chức nhằm tạo ra mối liên kết, đối thoại giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các nhà hoạch định chiến lược, chính sách nhằm đưa ra các luật định, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam.
 
Ngoài ra, trong suốt thời gian triển lãm, Ban tổ chức sẽ có các hoạt động “Kết nối giao thương – Business Matching” giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp mua hàng. Đến nay, theo thống kê của Ban tổ chức, sẽ có khoảng 500 phiên kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như: Sam Sung, Canon, Thaco, Honda, Toyota, ABB, Tùng Lâm,…
 
Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 9/12 đến ngày 11/12, dự kiến thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục