Trên 3.000 tuyến cố định chưa giảm giá cước vận tải

16:07' - 22/02/2016
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cả nước mới chỉ có 1/4 tuyến cố định thực hiện việc giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến); 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)...
Trên 3.000 tuyến cố định vẫn chưa giảm giá cước vận tải. Ảnh: Quốc Việt-TTXVN

Tại cuộc họp về tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 22/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, tình hình giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 1/4 tuyến cố định thực hiện việc giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến); 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)...

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, số lượng các doanh nghiệp giảm giá và mức giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá của giá nhiên liệu xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, thời gian qua các cơ quan báo chí và người dân đã nhiều lần phản ánh về việc giá cước vận tải không giảm khi giá xăng dầu giảm.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần phải công bằng đối với các doanh nghiệp. Vì hiện nay, có nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản, luôn chủ động điều chỉnh giá cước kịp thời theo diễn biến thị trường nhưng lại bị cào bằng với các doanh nghiệp khác.

Do đó, các cơ quan báo chí khi phản ánh cần chỉ rõ những doanh nghiệp nào “chây ì”, “móc túi” khách hàng để người dân và cơ quan quản lý nhà nước biết chứ không nên nói chung chung dẫn đến làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.

Sở dĩ việc điều chỉnh giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng giảm còn mất nhiều thời gian, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam là do thủ tục phê duyệt việc kê khai giá cước đối với doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước còn rườm rà, nhiêu khê.

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị với các cơ quan chức năng tự để cho các doanh nghiệp tự điều chỉnh đồng hồ tính cước (đối với hãng taxi) và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc điều chỉnh này chứ không phải đợi cơ quan chức năng phê duyệt (ví dụ như cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) xuống điều chỉnh và kẹp chì.

“Mặt khác, cũng cần phải tính toán đến từng tuyến, chẳng hạn như tuyến cố định mà trên tuyến đó có nhiều trạm thu phí thì không thể yêu cầu các doanh nghiệp này điều chỉnh giá cước đồng loạt như các tuyến khác...

Cùng với đó cần quy định thời gian cụ thể cũng như mức độ tăng giảm giá nhiên liệu, cụ thể là tăng giảm 20% mới thực hiện việc tăng giảm giá cước, điều này sẽ tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước” – ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng giá cước vận tải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố; trong đó nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 25-35%. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp. Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ, các hãng taxi của Tp. Hồ Chí Minh đã giảm giá cước thấp nhất là 300 đồng/km và chiều tối nay (22/2) sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng chia sẻ là không hề muốn tăng hay giảm giá cước vì mỗi lần thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp chịu chi phí cả tỷ đồng.

Có thể nói cước taxi bị điều chỉnh rất mạnh bởi thị trường, nếu có hãng này giảm mà hãng kia không giảm hoặc giá nhiên liệu giảm mà doanh nghiệp không giảm thì khách hàng sẽ "quay lưng" lại với doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Tạ Long Hỷ cho hay, giá cước vận tải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố; trong đó nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 25-35%, trong khi đó còn nhiều yếu tố khác trên thị trường đều tăng như lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, các loại thuế, phí khác... và đặc biệt là giá đầu tư phương tiên tăng. Vì vậy, xã hội cũng phải có những đánh giá công bằng, khách quan chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Theo tính toán của doanh nghiệp, khi giá nhiên liệu tăng giảm 10-12% có thể tính đến việc điều chỉnh được tăng giảm giá cước vận tải từ 2,8-3%. Do vậy, ông Tạ Long Hỷ kiến nghị, các cơ quan chức năng nên xây dựng mức dao động này để đề nghị doanh nghiệp vận tải tăng, giảm giá cước vận tải.

Đại diện Taxi Vinasun (Tp. Hồ Chí Minh) và Công ty vận tải Hoàng Long (Hải Phòng) kiến nghị, cần số hóa các yếu tố cấu thành nên giá cước vận tải. Chẳng hạn, nhiên liệu chiếm bao nhiêu phần trăm cấu thành nên giá cước khi giá nhiêu liệu tăng giảm thì căn cứ đó mà thực hiện.

Điều này vừa giúp việc quản lý của các cơ quan quản lý được dễ dàng hơn vừa giúp doanh nghiệp chủ động trong việc báo cáo lên cơ quan chức năng về việc tăng giảm giá cước của doanh nghiệp mình.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, do giá vận tải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân nên Nhà nước vẫn có những quyết định mang tính gián tiếp để quản lý giá cước này đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Việc kê khai giá cước tại các địa phương thời gian qua đã đi vào quy củ, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều văn bản mang tính đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vì vậy qua theo dõi cũng đã có nhiều doanh nghiệp giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm.

“Cũng phải thừa nhận công tác quản lý giá cước vận tải thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, vì vậy mà tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 152 (Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông Vận tải về quản lý giá cước vận tải) sẽ có những điều chỉnh để quản lý tốt hơn vấn đề này và đề nghị các doanh nghiệp vận tải tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư này để liên Bộ Tài chính – Giao thông Vận tải ban hành trong thời gian tới”.- bà Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trưởng đề nghị Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các hiệp hội vận tải ô tô địa phương, các hãng taxi, các doanh nghiệp vận tải trên toàn quốc cần nhận thức việc giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm là trách nhiệm đồng thời cũng là văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần sửa đổi ban hành quy định về thủ tục kê khai tăng giảm giá cước làm sao giúp doanh nghiệp làm nhanh nhất. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

“Các hiệp hội cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thành viên để minh bạch hóa giá cước cho người dân biết. Ngay sau cuộc họp này các doanh nghiệp vận tải cần xem xét điều chỉnh giá cước vận tải ngay”- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi ban hành quy định về thủ tục kê khai tăng giảm giá cước làm sao giúp doanh nghiệp làm nhanh nhất, ít phiền hà nhất, thậm chí có thể áp dụng cho nộp hồ sơ điện tử trước hoàn thành các thủ tục khác sau.

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét lại giá phí mỗi lần điều chỉnh đồng hồ giá cước (đối với các doanh nghiệp taxi) để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, để sớm hoàn thiện văn bản pháp lý khắc phục những thiếu sót, bất hợp lý về quản lý giá cước vận tải hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nhanh chóng thu thập các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 152 (Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giao thông Vận tải về quản lý giá cước vận tải) để ban hành ngay trong tháng 3 tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục