Triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá

16:11' - 11/03/2022
BNEWS Trong thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ đẩy mạnh truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa.
Tại hội thảo Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam, diễn ra ngày 11/3 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho rằng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa. Trong thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ đẩy mạnh truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với phát triển thẻ tín dụng, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ tín dụng và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo thống kê đến 31/12/2021, cả nước có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% về số lượng so với năm 2019. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475 nghìn thẻ. Trong giai đoạn 5 năm từ 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài. Mặt khác, thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Tuy nhiên đến nay, số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam. Vì thế, cần giúp người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam. Từ đó, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Thẻ tín dụng tại Việt Nam được chấp nhận tại hơn 300.000 đơn vị chấp nhận thanh toán và rút tiền mặt tại hơn 20.000 ATM trên toàn quốc. Có 7 tổ chức thẻ tham gia bao gồm: NAPAS, Visa, MasterCard, JCB, UnionPay International, American Express và Discover Financial Services, chủ thẻ Việt Nam có nhiều sự lựa chọn loại hình thẻ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của mình.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước cho rằng thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Điều này nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng. Đồng thời, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Lê Văn Tuyên, tính năng ưu việt của thẻ tín dụng nội địa là thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45-55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục