Triển vọng ảm đạm của kinh tế Singapore

06:30' - 28/05/2022
BNEWS Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Singapore ngày càng trở nên ảm đạm khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cạn kiệt ý tưởng kiềm chế lạm phát trong khi duy trì tốc độ phục hồi kinh tế.

Tác giả bài viết trên báo The Straits Times nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế của Singapore ngày càng trở nên ảm đạm hơn khi các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cạn kiệt ý tưởng để kiềm chế lạm phát trong khi duy trì tốc độ phục hồi kinh tế.

Trước mắt không có giải pháp nào cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và không thể dự đoán được thời điểm Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại trong bối cảnh nước này đang thực hiện các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh COVID-19.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung có khả năng sẽ kéo dài và tiếp tục đẩy giá mọi thứ, từ năng lượng và thực phẩm cho đến kim loại. Kịch bản này khiến các ngân hàng trung ương lớn ở Mỹ và châu Âu hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ nguồn gốc khác gây ra lạm phát – nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ.

Nếu nhu cầu toàn cầu giảm quá nhiều hoặc quá nhanh, Singapore có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ mà họ đã được chứng kiến trong vài tháng qua. 

Tiến sỹ Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cấp cao của Maybank Research đánh giá triển vọng thương mại toàn cầu bị phủ bóng bởi những khó khăn mới nổi, trong đó có cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình trạng phong tỏa tại một số thành phố ở Trung Quốc và việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Tất cả những trở ngại này có thể làm mất khả năng phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Sự thúc đẩy mở cửa trở lại biên giới có thể giúp Singapore lấy lại một số động lực tăng trưởng kinh tế đã mất khi các doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng, lữ hành và du lịch tăng lên. Tuy nhiên, không chắc là việc mở cửa trở lại có đủ để nước này đạt được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm theo dự báo là 3-5% hay không.

Tiến sỹ Chua tin rằng các dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và liên quan đến du lịch của Singapore như thương mại bán lẻ, các dịch vụ lưu trú và ăn uống sẽ phục hồi với việc mở cửa trở lại và bù đắp một phần cho ngành sản xuất và các dịch vụ theo hướng thương mại trong những quý tới. 

Ông lưu ý: “Việc các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở cửa trở lại sẽ đem đến luồng gió cho sự phục hồi, nhưng ‘những cơn gió ngược’ ngày càng tăng trên toàn cầu có thể sẽ lấn át và làm giảm đà tăng trưởng của Singapore trong nửa cuối năm nay”.

Các số liệu tăng trưởng trong quý I/2022 có thể đem lại một bất ngờ thú vị. Các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trên cơ sở hàng năm đạt 3,7%, so với 3,4% được Bộ Công thương nước này công bố hồi tháng Tư dựa trên dữ liệu sơ bộ.

Tuy nhiên, nhiều dữ liệu gần đây phản ánh tác động của sự suy giảm hoạt động kinh tế toàn cầu và có thể là tác động đầy đủ của cuộc xung đột Nga-Ukraine từ cuối tháng Hai, cũng như sự phong tỏa được nối lại ở Trung Quốc bắt đầu từ tháng Ba. Xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore trong tháng Tư tăng với tốc độ chậm nhất trong 8 tháng, với lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021.

Khẳng định đà giảm tốc tăng trưởng nhiều khả năng sẽ tiếp tục, tháng trước Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,6% - thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,9% được đưa ra hồi tháng 10/2021. Mức điều chỉnh lớn nhất của IMF là đối với Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) – mức tăng trưởng giảm xuống còn 2,8% từ mức 4,3%. Điều này phản ánh tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 4,4%, giảm mạnh so với mức dự báo ban đầu là 5,6% của tổ chức này và mục tiêu 5,5% của Chính phủ Trung Quốc, do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở nước này.

Mặc dù Thượng Hải tuần trước đã cho phép mở cửa dần các cửa hàng, nhưng hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng sẽ phải mất vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc mới tăng trở lại.

Bà Priyanka Kishore thuộc tổ chức dự báo toàn cầu Oxford Economics đã hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP của Singapore năm 2022 xuống còn 2,9%, từ mức 3,3% trước đó. Bà lưu ý việc hạ thấp này phản ánh những rủi ro cho quỹ đạo tăng trưởng GDP bởi chiến lược kiềm chế COVID-19 của Trung Quốc và vị trí quan trọng của nước này là nguồn nhu cầu cuối cùng ở châu Á và toàn cầu. Bà đánh giá Trung Quốc sẽ là nguồn quan ngại chính trong tương lai.

Ngân hàng Bank of America ước tính rằng sự suy giảm trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến sự điều tiết nhu cầu trong một loạt lĩnh vực và công ty trên khắp châu Á. Theo nghiên cứu của ngân hàng này, hơn 125 công ty có hơn 10% doanh thu từ Trung Quốc. Ví dụ tại Singapore, tỷ lệ doanh thu của Wilmar International tại Trung Quốc là 47,9%, CapitaLand Investment là 19,3% và Ngân hàng OCBC là 13,7%.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà phân tích đều bi quan về triển vọng tăng trưởng của Singapore. Ông Euben Paracuelles, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura International, vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của “đảo quốc sư tử” ở mức 4,4%.

Ông cho biết: “Dự báo của chúng tôi được đưa ra dựa trên quan điểm về một lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu duy trì đối với các sản phẩm điện tử và dược phẩm mà chúng tôi cho là ít bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Ngoài ra, việc Singapore mở cửa lại biên giới sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phục hồi kinh tế, và chúng tôi nhận thấy sự bắt kịp đáng kể trong các lĩnh vực như lữ hành và du lịch”.

Ông Euben Paracuelles chỉ ra rằng khách du lịch nước ngoài đã tăng lên 121.000 người trong tháng Ba, từ mức 68.000 người trong tháng Hai. Theo ông, đây là sự cải thiện đáng khích lệ, ngay cả trước khi biên giới Singapore được mở cửa hoàn toàn kể từ ngày 1/4. Ông nhấn mạnh đây là bước ngoặt cho sự phục hồi du lịch ở ASEAN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục