Triển vọng cổ phiếu năng lượng trên sàn chứng khoán Mỹ

16:59' - 14/03/2021
BNEWS Cổ phiếu của các công ty năng lượng như Exxon Mobil Corp và Diamondback Energy Inc đã tăng vô cùng ấn tượng, lần lượt 89% và 231% kể từ đầu tháng 11/2020 đến nay.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư đặt cược vào cổ phiếu năng lượng của Mỹ đã hưởng lợi từ một đợt tăng giá chóng mặt, khi lĩnh vực này dẫn đầu làn sóng dịch chuyển sang các cổ phiếu giá trị và nhạy cảm với tình hình kinh tế trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, đà tăng này có thể tiếp tục kéo dài bao lâu nữa còn phụ thuộc vào đà phục hồi kinh tế Mỹ, tình hình cung - cầu trên thị trường dầu mỏ và liệu các công ty có thể giữ kỷ luật chi tiêu hay không.

Việc giá dầu thô tăng gần gấp đôi đã khiến cổ phiếu của các công ty dầu khí trở thành một trong những lĩnh vực có hiệu suất tốt nhất trên thị trường chứng khoán, sau nhiều năm đều bị coi là các khoản “đặt cược thua lỗ.

Cổ phiếu của các công ty năng lượng như Exxon Mobil Corp và Diamondback Energy Inc đã tăng vô cùng ấn tượng, lần lượt 89% và 231% kể từ đầu tháng 11/2020 đến nay.

Với mức tăng hơn 80% trong cùng thời gian đó, nhóm năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 đang quay trở lại mức ghi nhận hồi tháng 2/2020, khi thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc do đại dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.

Triển vọng đối với cổ phiếu năng lượng là trung tâm của những xu hướng chính trên thị trường, bao gồm giai đoạn giao dịch hưởng lợi từ việc nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại có thể kéo dài bao lâu.

Các số liệu gần đây cho thấy dấu hiệu rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục kéo dài đà phục hồi. Số lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng vào tuần trước, trong khi tâm lý người tiêu dùng đã cải thiện vào đầu tháng Ba lên mức cao nhất trong một năm.

Điều này đã giúp triển vọng nhu cầu dầu tại Mỹ lên cao hơn vào thời gian tới và giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng tới 35% tính từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh đó, giới đầu tư đang xem xét động lực cung - cầu như một chất xúc tác khác đối với giá dầu thô và cổ phiếu ngành năng lượng.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) hồi năm ngoái đã cắt giảm sản lượng đáng kể do nhu cầu suy yếu trong đại dịch. Đầu tháng này, OPEC+ đã đồng ý gia hạn hầu hết các kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới tháng Tư, đồng nghĩa với việc nguồn cung tiếp tục được thắt chặt và hỗ trợ giá dầu đi lên.

Ngoài ra, ông Burns McKinney, Giám đốc danh mục đầu tư tại công ty tư vấn tài chính NFJ Investment Group, cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đẩy mạnh điều chỉnh hoạt động khoan dầu tại Mỹ. Điều này có thể hỗ trợ giá “vàng đen” thông qua việc kiểm soát nguồn cung.

Song giới đầu tư cho biết họ muốn xem liệu các công ty có đang chi tiêu cho hoạt động khoan mới hay không, vì điều này có thể làm cung vượt cầu trên thị trường và cuối cùng gây áp lực lên giá. Trong trường hợp tối ưu hơn, các công ty năng lượng sẽ nỗ lực trả nợ và tăng chi trả cổ tức.

Theo ông Jason Gabelman, nhà phân tích thị trường cổ phiếu năng lượng cao cấp tại ngân hàng đầu tư Cowen, năm công ty dầu mỏ quốc tế đã cắt giảm chi tiêu cho tư liệu sản xuất trung bình khoảng 20% trong năm ngoái xuống còn 80 tỷ USD. Dự kiến, các công ty này về tổng thể vẫn sẽ duy trì mức chi tiêu đó vào năm 2021.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Christian Ledoux, Giám đốc phụ trách nghiên cứu đầu tư tại công ty tư vấn tài chính CAPTRUST cho biết các công ty năng lượng cần phải duy trì kỷ luật tài chính của mình. Họ cần tuân thủ việc hạn chế ngân sách cho hoạt động sản xuất, không khoan nhiều giếng dầu mới và tạo cho các nhà đầu tư niềm tin rằng đây sẽ không phải là một chu kỳ tăng ngắn hạn./.

>>Nhận định chứng khoán tuần từ 15 -19/3: Liệu có vượt đỉnh?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục