Triển vọng nào cho phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên?

13:39' - 05/01/2023
BNEWS Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, Tây Nguyên có lợi thế phát triển cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như sắn, ngô lớn so với cả nước.

Ngày 5/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tập đoàn De Heus và Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) tổ chức Hội thảo Triển vọng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng giá trị theo chuỗi giá trị trong sản xuất ngô, sắn làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại khu vực này.


Đó là việc đưa các giống mới năng suất cao, kháng bệnh, áp dụng các gói kỹ thuật phù hợp, bón phân cân đối, tăng cường cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, củng cố hệ thống và công nghệ thủy lợi, áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến, rút ngắn dây chuyền trong các khâu thu gom, vận chuyển. Việc nâng cấp, đổi mới chuỗi giá trị như vậy sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp với giá cả cạnh tranh tốt hơn.
Cùng với đó là tổ chức các hộ nông dân sản xuất nhỏ theo thành lập hợp tác xã giúp nâng cao và chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh nông hộ cá thể, giúp nông dân tiếp cận với các dịch vụ chất lượng và giá cả tốt hơn; tăng giá trị sản phẩm; đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định hơn cho người mua, doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức Phát triển Hợp tác xã Hà Lan tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum ở Tây Nguyên cho thấy, các địa phương có lợi thế phát triển ngành kinh doanh cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ về điều kiện tự nhiên phù hợp và diện tích sản xuất sắn, ngô lớn so với cả nước.
Năng suất ngô ở Tây Nguyên cao so với các vùng khác của cả nước và liên tục tăng trong những năm gần đây. So sánh hiệu quả kinh tế cho thấy cây ngô và cây sắn có khả năng cạnh tranh khá cao với các cây hàng năm khác ở Tây Nguyên.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, người sản xuất ngô, sắn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như giá đầu vào cao, thiếu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu vốn, lao động,... Nhiều công nghệ tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sắn chậm phát triển hoặc đưa vào sản xuất ở mức độ khiêm tốn. Nhiều vùng trồng sắn, ngô còn độc canh, kỹ thuật không bền vững dẫn đến cạn kiệt chất dinh dưỡng của đất và suy thoái môi trường.
Hay cơ giới hóa trong sản xuất sắn và ngô còn hạn chế. Việc sản xuất ngô, sắn còn nhỏ lẻ, chưa được tổ chức tốt dẫn đến hạn chế về chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các nhà máy chế biến chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu…
Theo ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam, ngô Việt Nam cần cạnh tranh được với ngô Nam Mỹ về giá cả và chất lượng. Để giảm chi phí và nâng cao năng suất ngô cần áp dựng những kỹ thuật tiên tiến hơn vào trồng trọt để cải thiện năng suất, sử dụng phân bón hiệu quả. Nâng cao công nghệ chế biến (khâu thu hoạch và sấy khô) và bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó, thu hẹp khoảng cách giá giữ nông dân và người mua cuối cùng.
Hiện mỗi tháng, De Heus cần cung cấp từ 70.000 – 100.000 tấn ngô. Sắn được quan tâm hơn bởi ngành công nghiệp tinh bột sắn phát triển. De Heus sẽ chú trọng vào việc sử dụng các phụ phẩm của sắn do các nhà máy sản xuất tinh bột cung ứng. Để nâng cao chất lượng ngô sau thu hoạch, De Heus sẽ nghiên cứu các dự án có tính khả thi đầu tư vào sấy ngô.
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng cục Trồng trọt cho rằng, ngô, sắn cần cạnh tranh được với các cây trông đang có giá trị cao khác tại Tây Nguyên. Doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương để định hình vùng nguyên liệu; riêng phần giống, quy trình canh tác Cục Trồng trọt sẽ đóng góp vai trò này.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, khi cây ngô, sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định thì người dân sẽ đi theo. Đây là cây trồng ngắn ngày nên rất cần những mô hình điểm có đầu ra ổn định, tiêu thụ tốt, cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ thì nông dân sẽ làm theo.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, xây dựng một nền chăn nuôi hội nhập nhưng cũng cần giữ được sự tự chủ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu sẽ gây tác động không tốt cho ngành chăn nuôi mỗi khi thị trường nguyên liệu trên thế giới có biến động, giá cước vận tải tăng. Chăn nuôi là ngành quan trọng phải chủ động nguồn nguyên liệu cơ bản, giảm nhập khẩu; điển hình là việc chủ động nguyên liệu chính là ngô, sắn,…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cùng với việc phát triển ngô, sắn làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì việc tận dụng các phế, phụ phẩm của ngành nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp); phụ phẩm từ lúa gạo... sẽ góp phần giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục