Triển vọng nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia

06:30' - 30/06/2018
BNEWS Lịch sử cũng cho thấy nền kinh tế của Indonesia ghi nhận sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Amir Karimuddin với tựa đề: “Indonesia tích cực thực hiện cải cách kỹ thuật số”.

Năm 1998 đánh dấu một phần lịch sử đen tối của đất nước Indonesia. Các cuộc biểu tình và bạo loạn diễn ra cùng với cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở Đông Nam Á, trong đó, Indonesia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng là năm đánh dấu sự sụp đổ của nhà lãnh đạo độc tài Soeharto, người đã nắm quyền hơn 30 năm.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy nền kinh tế của Indonesia vẫn sống sót với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo.

Thế hệ những người sinh ra từ năm 1980 đến năm 1998, lúc đó vẫn còn khá nhỏ, nhưng hiện đang dẫn đầu một cuộc cải cách khác - một cuộc cải cách về kỹ thuật số? Hai mươi năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á diễn ra, thế giới thay đổi không ngừng này đã đưa chúng ta đến với một “cuộc cải cách mới”. 

Cuộc cải cách kỹ thuật số hiện nay có thể được xem như là một sự thay đổi từ các cách thông thường sang kỹ thuật số. Cải cách kỹ thuật số có thể thực hiện được ở một số khía cạnh, bao gồm chính phủ, sản xuất, giáo dục, thực thi pháp luật và kinh tế.

Cải cách kỹ thuật số là mục tiêu của mọi quốc gia đang hướng tới trong tương lai. Thông qua công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế không còn dựa trên các giao dịch mà người bán và người mua ở cùng một nơi. Họ có thể sống ở các thành phố hoặc thậm chí các quốc gia khác nhau với các nền văn hóa khác nhau mà chỉ cần có một hệ thống kết nối và phương pháp thanh toán phù hợp.

Thế kỷ 21 được đánh dấu bằng việc các công ty công nghệ phát triển mạnh. Dữ liệu bỗng nhiên được coi là "vàng hoặc dầu mỏ mới" và thuật ngữ như "dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet và thiết bị kết nối" không còn xa lạ trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta. 

Vào những năm đầu thế kỷ 21 này, các công ty có giá trị lớn nhất thế giới đến từ các ngành công nghiệp dầu mỏ và bán lẻ. Tuy nhiên hiện nay, lợi thế đó thuộc về các công ty công nghệ có trụ sở tại Thung lũng Silicon ở Mỹ như Apple, Google/Alphabet, Microsoft và Facebook. Ở Trung Quốc có các công ty như Tencent và Alibaba đang cạnh tranh để trở thành người dẫn đầu thị trường.

Các công ty ở Indonesia cũng đang bắt đầu tham gia cuộc đua, mặc dù quy mô nhỏ hơn so với Mỹ hoặc Trung Quốc. Với dân số lên đến hơn 260 triệu người - lớn thứ tư thế giới, đây là động lực chính của Indonesia để thành công trong thế giới kỹ thuật số. 

Chưa kể việc người Indonesia rất chú trọng phát triển công nghệ. Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet Indonesia (APJII), hơn một nửa dân số nước này (tương đương khoảng 143 triệu người) có thể truy cập Internet. Điều này khiến Indonesia được xem như một thị trường công nghệ rất lý tưởng. Cụ thể, ở châu Á, Indonesia là thị trường lớn thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Các dịch vụ trực tuyến tại Indonesia bắt đầu nổi lên kể từ năm 2009 và bùng nổ trong năm 2014, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Rocket Internet (một công ty nổi tiếng trong việc sao chép và nhân bản các mô hình thương mại điện tử thành công trên thế giới). 

Ngành công nghiệp kỹ thuật số của Indonesia cũng được khuấy động khi Tokopedia, một trong những gã khổng lồ thương mại điện tử địa phương, nhận được 100 triệu USD từ hai nhà đầu tư nổi tiếng là Softbank và Sequoia Capital.

Hàng triệu USD đã được đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương. Mỗi năm, các doanh nghiệp khởi nghiệp được thiết lập bởi những người trẻ tuổi, nhiệt huyết và đam mê với mục tiêu giải quyết các vấn đề của quốc gia.

Indonesia với các vấn đề trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội là một phòng thí nghiệm lý tưởng cho các công ty khởi nghiệp thực hiện ý tưởng của họ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) tại diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 cho biết: “Khi chúng ta thấy những thách thức, tôi lại thấy cơ hội. Thách thức của Indonesia là cơ hội của bạn”.

Indonesia hiện có 4 công ty khởi nghiệp trị giá trên 1 tỷ USD. Họ là Go-Jek, Tokopedia, Traveloka và Bukalapak. Một là trong lĩnh vực dịch vụ và hậu cần và phần còn lại có liên quan đến thương mại. Số lượng các công ty khởi nghiệp ở Indonesia lớn hơn tổng số các công ty này ở các nước Đông Nam Á cộng lại. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, các công ty này đã đạt được các giá trị trong một khoảng thời gian ngắn.

Cuộc cải cách năm 1998 sẽ luôn là một lời nhắc nhở rằng Indonesia đã có những khoảnh khắc thăng trầm của mình. Indonesia vẫn là một đất nước trẻ và giống như các quốc gia khác có lịch sử dài hơn, cải cách có thể là một cột mốc quan trọng để họ trở thành một quốc gia tốt hơn.

Cải cách kỹ thuật số vừa là nhu cầu đồng thời cũng là đòi hỏi cấp bách đối với chính phủ, các doanh nghiệp và người dân Indonesia để giúp quốc gia này tiếp tục vươn lên, gặt hái được những thành công mới. Việc này cũng nằm trong chiến lược phát triển quốc gia của Indonesia với mục tiên phấn đấu đến năm 2030 sẽ ngang hàng với các quốc gia hùng mạnh khác trên thế giới.

Hiện nay, nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp khoảng 1- 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudiantara thậm chí còn tuyên bố rằng nền kinh tế kỹ thuật số sẽ đóng góp 11% (trị giá 130 tỷ USD) cho tổng GDP của Indonesia vào năm 2020.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục