Kết quả ấn tượng trong hồ sơ kinh tế của Tổng thống Indonesia

06:30' - 18/06/2018
BNEWS Kể từ khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nhậm chức vào năm 2014, quốc gia này đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch.
Hành khách tại sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong năm 2014, đã có 9,4 triệu lượt du khách nước ngoài đến Indonesia. Đến năm 2017, con số này tăng mạnh lên hơn 14 triệu lượt và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Báo Jakarta Post mới đây đăng bài viết của tác giả James Guild cho rằng điều này được coi là một cú huých lớn đối với nền kinh tế đất nước vạn đảo.

Du khách nước ngoài chi tiêu hàng tỷ USD mỗi năm, các nhà đầu tư tích cực đổ vốn vào xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch và tạo ra hàng ngàn việc làm cho công nhân và doanh nghiệp địa phương.

Sự bùng nổ của ngành du lịch được coi là kết quả của những nỗ lực hoạch định chính sách mà chính quyền Tổng thống Jokowi đưa ra, với cách tiếp cận đa hướng để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này vào năm 2015. Kế hoạch liên quan đến tái cấu trúc hệ thống quan liêu, cải cách pháp lý và tăng tốc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ… điều đó đã tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các du khách trong và ngoài nước.

Tổng thống Jokowi thừa hưởng một nền kinh tế đã quá phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và than đá. Khi thị trường toàn cầu của các loại mặt hàng này bắt đầu nguội dần, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy cần phải cân bằng nền kinh tế bằng cách thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ phi xuất khẩu, chẳng hạn như du lịch. Để thực hiện điều này, Bộ Du lịch Indonesia đã được cơ cấu lại trong năm 2015 với ngân sách được mở rộng.

Trước đây, bộ này cũng chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh tế sáng tạo, được giao nhiệm vụ tài trợ và sản xuất phim, âm nhạc và nghệ thuật thúc đẩy văn hóa và xã hội Indonesia. Với nhiệm vụ mới được thu hẹp hơn, chỉ tập trung vào phát triển du lịch với ngân sách lớn hơn, Bộ Du lịch Indonesia đã được trang bị tốt hơn để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Những mục tiêu này là một phần của Kế hoạch chiến lược 5 năm phát triển ngành du lịch Indonesia được đưa ra vào năm 2015, phấn đấu đến năm 2019 đạt số lượng 20 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 240.000 tỷ rupiah (17,2 tỷ USD), tạo ra 13 triệu việc làm và ngành du lịch chiếm 8% GDP quốc gia. Indonesia đang tiến rất gần đến hầu hết các mục tiêu này.

Kế hoạch đã được triển khai cùng với các cải cách pháp lý giúp người nước ngoài dễ dàng đi du lịch và đầu tư vào Indonesia. Số lượng quốc gia được miễn thị thực khi đến Indonesia đã tăng từ 45 quốc gia năm 2014 lên 169 quốc gia vào năm 2016. Sư hạn chế về quyền sở hữu của người nước ngoài đối với khách sạn và nhà hàng cũng được giảm bớt hoặc loại bỏ hoàn toàn và quy trình cấp phép cho doanh nghiệp mới được sắp xếp hợp lý.

Nỗ lực cải cách này đã ghi nhận những thành công khác nhau, nhưng tổng thể nó đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng trong số lượng du khách nước ngoài và tạo ra làn sóng mới thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành du lịch.

Các nhà đầu tư đã đổ vào một lượng lớn tiền để phát triển hàng loạt khu thương mại và khu nghỉ mát. Điều quan trọng là những nỗ lực cải thiện môi trường pháp lý này đi đôi với việc tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nhất là việc mở rộng và xây dựng các sân bay và hệ thống các đường thu phí.

Một trong những dự án tiêu biểu thể hiện chính sách đúng đắn này là việc tập trung cải tạo, phát triển hồ Toba ở tỉnh Bắc Sumatra, đây là hồ miệng núi lửa lớn nhất thế giới. Vào năm 2017, Tổng thống Jokowi đã chỉ đạo cải tiến, mở rộng sân bay Silangit với đường băng lớn hơn và nhà ga hành khách mở rộng dự kiến có thể tiếp nhận 500.000 hành khách mỗi năm, bao gồm cả khách quốc tế.

Một tuyến đường sắt nối hồ Toba với thủ phủ của tỉnh Medan để kết nối với một sân bay quốc tế mới đã được khởi công vào năm 2013 và được khánh thành vào tháng 2/2018. Bên cạnh đó, con đường thu phí từ Medan đến đường vành đai hồ Toba hiện đang được xây dựng và dự kiến khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho du khách đến thăm quan hồ này.

Thành phố Yogyakarta nơi có ngôi đền Phật giáo cổ Borobodur, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận thu hút hàng trăm ngàn du khách nước ngoài và hàng triệu người Indonesia hàng năm cũng đang trong quá trình đón nhận một sân bay mới.

Chính phủ đã thực hiện công tác đền bù, giải tỏa 587 hecta đất để xây dựng một sân bay quốc tế với sức chứa 15 triệu hành khách mỗi năm và hiện đã hoàn thành phần lớn vào đầu năm 2018. Các địa điểm này đã được Bộ Du lịch ưu tiên là điểm đến chiến lược, do đó nhanh chóng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể đáp ứng hàng triệu du khách dự kiến trong những năm tới.

Một cặp dự án phát triển lớn ở Labuan Bajo, cửa ngõ vào quần đảo Komodo và Mandalika ở miền Trung Lombok cũng được đánh giá là những điểm nhấn đối với ngành du lịch của nước này. Các nhà đầu tư đang tích cực rót vốn để phát triển du lịch tại Indonesia. Dự án Marina Labuan Bajo với số vốn đầu tư 398 tỷ rupiah (28,6 triệu USD) với 180 phòng khách sạn, bến phà, nhà hàng và các doanh nghiệp bán lẻ.

Kế hoạch dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2018 trên sẽ giúp đa dạng hóa sự hấp dẫn của Labuan Bajo như một điểm đến du lịch theo đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là cửa ngõ để du khách chiêm ngưỡng loài rồng Komodo ở vườn Quốc gia gần đó. Bên cạnh đó, dự án còn đem đến những thuận lợi, trải nghiệm mới đối với du khách trong việc thưởng thức ẩm thực địa phương.

Khu nghỉ mát Mandalika là một dự án trọng điểm ở Lombok. Hiện nay, một số chuỗi khách sạn quốc tế lớn đã bắt đầu xây dựng với khoản đầu tư đạt 2.200 tỷ rupiah. Sau khi hoàn thành, khu phức hợp nghỉ dưỡng này dự kiến sẽ tiếp nhận hơn 58.000 công nhân địa phương.

Tất cả điều này vẽ lên một bức tranh khá lạc quan về tăng trưởng du lịch ở Indonesia. Các rào cản quy định được cải thiện, Bộ Du lịch được sắp xếp hợp lý và trang bị đầy đủ các nguồn lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình và các dự án cơ sở hạ tầng được tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Số lượng khách tăng cao trong năm qua kể từ khi chương trình được bắt đầu vào năm 2015 cho thấy rằng cách tiếp cận đa hướng của chính phủ để phát triển ngành du lịch đang đi đúng hướng và thu được trái ngọt.

Trong năm 2014, Tổng thống Jokowi đã đưa ra những cam kết táo bạo về tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Indonesia. Một số trong số này, chẳng hạn như tham vọng bổ sung 35 GW điện vào lưới điện quốc gia năm 2019 cho đến giờ chưa có nhiều dấu hiệu có thể sẽ thành hiện thực. Nhưng du lịch là một lĩnh vực chuyển động nhanh.

Nhờ cách tiếp cận có phương pháp bao gồm tầm nhìn chính sách toàn diện, các tiêu chuẩn rõ ràng để đo lường thành công và chiến lược phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành cũng như tạo ra khung pháp lý để phục vụ tầm nhìn đó, ngành du lịch của Indonesia cho đến nay đã đạt được những thành công nhất định.

Khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm 2019, các cử tri sẽ đánh giá ông Jokowi một phần dựa trên hồ sơ kinh tế của ông trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong khi một số tham vọng phát triển kinh tế chưa thực sự hoàn hảo thì đối với ngành du lịch, Tổng thống Jokowi đã thực hiện được cam kết của mình đối với người dân khi vận động họ bỏ phiếu cho mình vào năm 2014 và những thành quả trong nhiệm kỳ đầu của ông Jokowi sẽ là vũ khí mạnh mẽ để ông tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2019.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục