Triển vọng tăng giá của đồng USD

21:36' - 20/03/2024
BNEWS Bước sang năm 2024, triển vọng các ngân hàng trung ương giảm lãi suất đồng bộ nhất kể từ năm 2008 có vẻ sẽ hỗ trợ đồng USD.
Phố Wall bước vào Năm Mới với kỳ vọng rằng hầu như mọi loại tiền tệ trong nhóm G10 sẽ tăng giá so với đồng USD, từ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất quyết liệt.

Tuy nhiên, thay vào đó, giá trị của đồng bạc xanh đã tăng hơn 2% trong quý này và giá trị đồng tiền của Mỹ đang trở nên vượt trội hơn so với các đồng tiền chủ chốt khác.

* Những dự báo lạc quan

Hiệu suất của đồng USD phản ánh nhận thức rằng Mỹ sẽ không hành động một mình. Theo phân tích của Bloomberg, trong số 11 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bao gồm cả Fed, có 10 ngân hàng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu, đánh dấu chu kỳ nới lỏng chính sách đồng bộ nhất trong 16 năm.

Một trong số ít trường hợp ngoại lệ là Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). BoJ là ngân hàng cuối cùng trên thế giới bãi bỏ chính sách lãi suất âm, qua đó chấm dứt chương trình kích thích tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại.

 
Phân tích cho thấy đồng USD tăng trung bình hơn 3% trong mỗi quý khi 80% ngân hàng trung ương trở lên cùng lúc nới lỏng chính sách. Đồng bạc xanh giữ được lợi thế như vậy vì lãi suất chính sách của Fed được dự báo sẽ vẫn cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển lớn sau New Zealand vào cuối năm nay.

Do đó, chuyên gia Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại ngân hàng Mizuho Bank Ltd, cho biết: “Việc bán khống đồng đô la một cách quyết liệt có thể là một sai lầm nghiêm trọng”.

Viễn cảnh có vẻ trái ngược về việc đồng bạc xanh trỗi dậy có thể trở nên thực tế hơn khi xét đến việc nền kinh tế lớn số 1 thế giới đang tiếp tục tỏ ra đủ kiên cường để tránh suy thoái kinh tế. Ngoài ra, việc thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực cũng là yếu tố đang thu hút dòng vốn vào.

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy 8 trong số 11 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả các ngân hàng châu Âu và Canada (Ca-na-đa), dự kiến sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách từ quý II năm nay cùng với Mỹ. Con số này sẽ tăng lên 10 từ quý III.

Nhà kinh tế trưởng toàn cầu Frances Donald tại Manulife Investment Management cho biết tại một hội nghị ngành vào tháng trước: “Trong lịch sử, Mỹ và Fed đã dẫn dắt câu chuyện vĩ mô này. Bây giờ, Mỹ và Fed đang đứng cuối cùng (về việc nới lỏng)”.

Bà Donald nói: “Tôi không cho rằng đồng USD sẽ giảm vì Mỹ có mức độ phục hồi kinh tế vượt xa các đối thủ khác”.

Đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rằng Fed đang tiến gần đến điểm bắt đầu nới lỏng, trong khi người đồng cấp của ông là bà Christine Lagarde cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẵn sàng hạ lãi suất vào tháng Sáu.

Giám đốc đầu tư quản lý tỷ giá Alex Everett tại công ty đầu tư toàn cầu abrdn plc cho biết: “Khi chúng tôi tin rằng sự chú ý chuyển sang những khác biệt về chính sách, thị trường tiền tệ sẽ có những thay đổi”.

* Vẫn có nhiều dự đoán giá đồng USD sẽ giảm

Kể từ năm 2017, các nhà quản lý tài sản đã đặt cược rằng đồng USD sẽ giảm giá. Các chiến lược gia Phố Wall cũng kỳ vọng rằng hầu như mọi loại tiền tệ thuộc Nhóm G10 sẽ tăng giá so với đồng đô la vào cuối năm nay.

Giá trị đồng USD đã giảm gần 3% vào năm ngoái do giá tiêu dùng bắt đầu giảm sau khi Fed thực hiện tăng lãi suất mạnh mẽ. Ngoài ra, các yếu tố như những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế, sự kết thúc của chính sách lãi suất âm của Nhật Bản, cũng như sự thăng hoa của Bitcoin và việc giá hàng hóa tăng cao cũng có thể đè nặng lên đồng bạc xanh.

Ngân hàng Bank of America dự báo sức mạnh của đồng USD sẽ giảm trong tháng Ba, trong khi ngân hàng Goldman Sachs dự đoán trong dài hạn đồng bạc xanh sẽ yếu hơn. Đồng quan điểm này, ngân hàng Citigroup Inc. ủng hộ việc bán đồng tiền nước Mỹ.

Mặc dù vậy, một số người khác vẫn tỏ ra thận trọng vì hàng loạt dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh, trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức ổn định. Nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn có thể vẫn tồn tại trong năm nay do các xung đột đang diễn ra tại Ukraine (U-crai-na) và Gaza, làm chậm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế từ châu Âu đến Trung Quốc. Ngoài ra, một loạt cuộc bầu cử sẽ quyết định quyền lãnh đạo của hơn 40% dân số thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục