Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm

07:30' - 18/12/2023
BNEWS Ngày 17/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa triệt phá thành công vụ án buôn lậu với giá trị hàng hóa rất lớn.

Cơ quan Công an đã khởi tố Nguyễn Dân Phụng (26 tuổi) và Nguyễn Trường Vũ (38 tuổi) cùng trú tại Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; khởi tố Triệu Quang Long (32 tuổi, trú tỉnh Đắk Lắk) để điều tra làm rõ hành vi buôn lậu; Nguyễn Ngọc Đạt (40 tuổi, trú tỉnh Tây Ninh) và Lý Văn Thảo (37 tuổi, trú tỉnh Bình Phước) cùng bị khởi tố để điều tra làm rõ hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

 

Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện trên địa bàn tỉnh đang lưu thông số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Các loại thuốc này có nguồn gốc từ Thái Lan, Campuchia, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Quá trình sàng lọc, cơ quan Công an phát hiện đối tượng Triệu Quang Long (chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Đàn Điệp, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những đầu mối phân phối số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ Campuchia.

Đối tượng Long đối phó với cơ quan chức năng bằng các thủ đoạn như chỉ liên hệ mua hàng tại Campuchia khi có khách đặt hàng. Khi hàng hóa về, Long thuê xe vận chuyển giao ngay cho khách hoặc để tại phòng trọ ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mà không để tại cửa hàng. Mỗi lần Long mua dưới 30 thùng, giá trị dưới 100 triệu đồng tránh bị xử lý hình sự.

Ngày 16/6/2023, xác định Long sắp nhận 42 thùng hàng, giá trị trên 100 triệu đồng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã quyết định bắt giữ đối tượng này. Tối 17/6, lực lượng Công an kiểm tra xe tải biển kiếm soát 47C-231.19 khi lưu thông trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột do Long điều khiển, đã phát hiện 200 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Qua đấu tranh, đối tượng Long khai nhận đặt mua của một người tên Soạn, sinh sống tại Campuchia. Sau đó, thông qua Nguyễn Dân Phụng (nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Du lịch và vận tải Quốc tế Phước An, Chi nhánh Sài Gòn, ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) vận chuyển về Việt Nam. Từ tháng 2/2023 đến khi bị bắt, đối tượng Long đã đặt mua hơn 9.600 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia. Trong đó, thông qua Phụng vận chuyển về Việt Nam hơn 3.700 sản phẩm.

Ngày 7/8, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án buôn lậu và khám xét Chi nhánh Sài Gòn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Du lịch và vận tải Quốc tế Phước An, thu giữ 114 thùng thuốc bảo vệ thực vật cùng các tài liệu, tiền tệ. Phối hợp với cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Đắk Lắk xác định từ năm 2022 đến tháng 7/2023, Nguyễn Dân Phụng đã tiếp nhận 532 đơn hàng vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia về Việt Nam với tổng khối lượng hơn 519 tấn.

Tuy nhiên, thời điểm này, Nguyễn Trường Vũ (Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn của Công ty này) đã xuất cảnh. Lực lượng Công an đã vận động vợ của đối tượng Vũ thuyết phục chồng lên làm việc với cơ quan điều tra.

Ngày 17/8, đối tượng Vũ tới cơ quan điều tra và khai nhận, ngoài đối tượng Phụng, còn thuê Nguyễn Ngọc Đạt vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia về Việt Nam. Đạt là đối tượng sống gần khu vực biên giới, thường xuyên qua lại và tổ chức hoạt động vận chuyển hàng hóa nhiều năm. Đối tượng Đạt liên tục thay đổi số điện thoại, có những số chỉ dùng liên lạc trong ngày rồi bỏ nhằm tránh bị theo dõi, giám sát.

Trước tình hình trên, một tổ trinh sát đã hóa trang, bám nắm địa bàn dài ngày, tiếp xúc với các cá nhân làm bốc vác tại khu vực, nắm di biến động của Đạt. Đến ngày 27/9, khi đối tượng Đạt vừa đặt chân về Việt Nam thì bị bắt giữ. Lực lượng Công an bắt giữ Lý Văn Thảo là người cùng Đạt vận chuyển trái phép thuốc bảo vệ thực vật từ Campuchia về Việt Nam.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong vụ án không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam vì dư lượng chất nguy hại vượt quá ngưỡng cho phép, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường. Các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục