Triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

08:36' - 22/10/2022
BNEWS Theo UBND tỉnh Long An, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm trên địa bàn đã cơ bản được kiềm chế.

Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an toàn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, việc đấu tranh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có lúc, có nơi chưa thật sự toàn diện, nghiêm minh, triệt để; vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng còn xảy ra nhiều, nhất là các mặt hàng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thực phẩm, thuốc và vật tư y tế… với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn; việc quản lý, xử lý các tang vật, phương tiện bị tạm giữ vẫn còn một số vướng mắc, gây lãng phí các nguồn lực xã hội...

 

Nguyên nhân là do đặc thù điều kiện tự nhiên với tuyến biên giới qua địa phận Long An dài 133 km có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch chằng chịt nên công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có lúc chưa được duy trì thường xuyên và linh hoạt theo đối tượng, địa bàn. Việc đầu tư phát triển, cải thiện đời sống người dân trên tuyến biên giới, nhất là hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho đối tượng tham gia buôn lậu chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn khó khăn, tạo điều kiện để các đối tượng là người dân tham gia, làm thuê cho đầu nậu buôn lậu có việc làm. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân vùng khó khăn tiếp cận dễ dàng với các nguồn phân bón, vật tư nông nghiệp có chất lượng.

Song song đó, các ngành liên quan nắm chắc đối tượng, kiểm soát chặt địa bàn, không để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra phức tạp, mất kiểm soát; xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ an toàn, lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp; nắm chắc các luồng tuyến, phương thức, thủ đoạn hoạt động, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng thời, các ngành liên quan tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động, có phương án cảm hóa phù hợp đối với các đối tượng buôn lậu, tham gia buôn lậu, nhất là đối tượng cầm đầu.

Từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, các lực lượng chức năng Long An đã tổ chức kiểm tra, phát hiện trên 2.000 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 60 tỷ đồng; điều tra khởi tố 22 vụ với 29 đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng./.

>>>Giải pháp nào để siết chặt buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục