Trợ lực vốn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh

10:58' - 31/05/2024
BNEWS Tiếp đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, hiện Agribank tiếp tục giải ngân cho vay lâm sản, thủy sản theo gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023. Trong đó: nông sản chính đạt 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%), lâm sản đạt 1,35 tỷ USD (tăng 17,9%), chăn nuôi 45,8 triệu USD (tăng 10,2%)… Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 24,14 tỷ USD (tăng thêm 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp vào kết quả này có nông sản 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%. Xuất khẩu tăng cao, trong khi nhập khẩu giảm mạnh (kim ngạch nhập khẩu 17,61 tỷ USD), nên toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuât siêu 6,53 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào các thị trường đều tăng. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á 11,31 tỷ USD (tăng 17,5%); châu Mỹ 5,4 tỷ USD (tăng 23,1%); châu Âu 3,2 tỷ USD (tăng 39,4%); châu Phi 459 triệu USD (tăng 26,1%) và châu Đại Dương 341 triệu USD (tăng 24,8%).

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ chiếm 20,6%, tăng 23,9%; Trung Quốc chiếm 19,2%, tăng 8,6% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với lĩnh vực thủy sản, tuy chưa đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như với các mặt hàng nông sản và lâm sản, nhưng xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023. Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, sau đó đến Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác. Xuất khẩu tôm tháng 5/2024 đem về 361 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên 1.335 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước… 

Nhận định chung về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội. 

Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với đó, có thể khẳng định việc thực hiện các giải pháp tín dụng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở, nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản gắn với phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp đồng hành tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực lâm, thủy sản, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh trong xuất khẩu lâm, thủy sản.

Agribank là ngân hàng thương mại hoạt động chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm luôn ở mức 65-70% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng của Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 963 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 63% dư nợ nền kinh tế, chiếm khoảng hơn 32% dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn hệ thống ngân hàng. Riêng dư nợ cho vay ngành lâm sản, thủy sản đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng với 243.275 khách hàng, chiếm 8,37% dư nợ nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, Agribank đã kịp thời ban hành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng, đến 30/11/2023 Agribank đã giải ngân cho vay đạt quy mô 3.000 tỷ đồng theo cam kết và hoàn thành chương trình với doanh số cho vay triển khai từ đầu chương trình đã đạt gần 5.500 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt gần 5.000 tỷ đồng với hơn 3,3 nghìn lượt khách hàng vay vốn. 

Tiếp đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, hiện Agribank tiếp tục giải ngân cho vay lâm sản, thủy sản theo gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi nội bộ nhằm khuyến khích phát triển đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và các lĩnh vực ưu tiên quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư…).

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, mặc dù việc triển khai cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản tại Agribank đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay là thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền…

Mặc dù vậy, với mục tiêu hỗ trợ dòng vốn cho Tam nông, thời gian tới, Agribank vẫn tiếp tục duy trì và tập trung chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho vay sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lâm sản, thủy sản. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục