Trong 5 năm, diện tích rừng khu vực miền Trung tăng gần 374.000 ha

12:24' - 03/11/2020
BNEWS Trong giai đoạn từ 2015-2019, diện tích rừng khu vực miền Trung tăng gần 373.900 ha; trong đó rừng tự nhiên tăng trên 70.000 ha, rừng trồng tăng trên 303.840 ha.

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn từ 2015-2019, diện tích rừng khu vực miền Trung tăng 373.887 ha; trong đó rừng tự nhiên tăng 70.046 ha, rừng trồng tăng 303.842 ha. 

Một số tỉnh có diện tích tăng nhiều như: Quảng Nam tăng 30.073 ha, Bình Định 51.095 ha, Phú Yên 42.305 ha, Quảng Bình 21.739 ha, Thanh Hoá 15.183 ha, Thừa Thiên Huế 12.628 ha, Quảng Trị 10.726 ha, Nghệ An 9.020 ha.

Tổng diện tích rừng hiện có khu vực miền Trung là 5.553.610 ha, chiếm 38,01% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó diện rừng tự nhiên 3.790.955 ha, rừng trồng 1.762.655 ha. Tỷ lệ che phủ rừng khu vực này đạt 54,99%, đứng thứ 2 trong 8 vùng sinh thái, sau vùng Đông Bắc với 56,28%.

Nhằm hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các nguyên nhân mất rừng ở vùng Bắc Trung Bộ, qua đó giảm phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế - xã hội. Toàn khu vực có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha; trong đó 80% là đồi núi, bao gồm 5 hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của khu vực trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Với Thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Bắc Trung Bộ và FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.

Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích rừng ở khu vực này vẫn bị thiệt thại do phá rừng, cháy rừng với trên 3.100 ha; trong đó do cháy rừng gần 1.600 ha.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, ngành lâm nghiệp tiếp tục trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Tổng cục cũng tham mưu, đề xuất các đoàn kiểm tra bảo vệ và phát triển rừng tại các vùng trọng điểm; phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị  trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Trong những năm qua, việc quản lý, bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục tăng từ 40,84% năm 2015, đạt 41,89% năm 2019; ước năm 2020 đạt khoảng 42%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tính đến 31/12/2019, diện tích rừng cả nước là 14.609.220 ha; trong đó rừng tự nhiên 10.292.434 ha, rừng trồng 4.316.786 ha./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục