Trồng chuối Nam Mỹ - Hướng đi mới cho người dân vùng rừng U Minh Hạ

11:25' - 18/07/2017
BNEWS UBND tỉnh Cà Mau chủ trương quy hoạch phát triển diện tích trồng giống chuối Nam Mỹ trên vùng đất U Minh Hạ, góp phần nâng cao nâng suất cây trồng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân vùng rừng.

Việc đưa giống chuối ‘‘ngoại’’ trồng trên vùng đất U Minh Hạ song hành với giống chuối bản địa (chuối xiêm) đang mở ra hướng đi mới cho ngành hàng chuối, được tỉnh tái cơ cấu là một trong những ngành hàng chủ lực nhằm phát huy hiệu quả tiềm, năng thế mạnh của địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho hay, qua thời gian trồng thử nghiệm chuối Nam Mỹ ở Cà Mau cho thấy, giống chuối này thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có thị trường tiêu thụ phong phú.

Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên mô hình trồng chuối đang được doanh nghiệp và nhiều hộ dân trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng chuối trên địa bàn tỉnh để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện.

Ông Nguyễn Tiến Hải cho biết, việc nhân rộng mô hình trồng giống chuối Nam Mỹ tại Cà Mau phải thực hiện theo chuỗi giá trị gia tăng.

Theo đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu sản xuất chế biến gỗ Cà Mau sẽ cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng chuối, bao tiêu thu mua sản phẩm của nông dân.

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích trồng chuối gần 5.570 ha, tập trung chủ yếu tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Trong đó, nhiều hộ dân ở huyện U Minh đã liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình trồng chuối Nam Mỹ với diện tích khoảng 250 ha.

Theo ông Quách Văn Ấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin Ứng dụng khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, giống chuối Nam Mỹ thích nghi với vùng đất nhiễm phèn, năng suất đạt bình quân từ 35 - 40 tấn/ha, giá bán cao gấp 2 -3 lần so giống chuối xiêm, đây là giống chuối xuất khẩu.

Trong khi đó, trồng giống chuối xiêm chỉ đạt năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu sản xuất chế biến gỗ Cà Mau đang liên kết với nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh triển khai mô hình trồng chuối Nam Mỹ, đồng thời thực hiện ký hợp đồng bao tiêu thu mua sản phẩm của nông dân phục vụ xuất khẩu.

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh khẳng định, mô hình trồng chuối Nam Mỹ ở huyện U Minh không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sức cạnh tranh của cây chuối bản địa (chuối xiêm); bởi nguyên nhân do chuối Nam Mỹ chủ yếu dùng cho xuất khẩu, còn chuối xiêm chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Đối với mô hình trồng chuối Nam Mỹ, tuy có đầu ra khá ổn định nhưng đòi hỏi thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hết sức nghiêm ngặt.

Điều này đã khiến cho nhiều hộ dân ở vùng rừng U Minh Hạ e dè, chưa tự tin thực hiện mô hình trồng chuối Nam Mỹ.

Thời gian tới, giữa nông dân và doanh nghiệp cần có liên kết, hỗ trợ chặt chẽ trong sản xuất theo chuỗi giá trị, để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, nâng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người trồng chuối.

Điều quan trọng là tạo đầu ra ổn định lâu dài cho ngành hàng chuối, góp phần hạn chế tình trạng nông dân trúng mùa nhưng rớt giá, nông sản ứ đọng khó tiêu thụ. Ông Dư Bé Ba nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục