Trung Quốc cam kết đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài

15:03' - 25/03/2024
BNEWS Ngày 25/3, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Guo Tingting cam kết không “phân biệt đối xử” giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nhằm thu hút chuyên môn, hợp tác và đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh, bà Guo khẳng định Trung Quốc sẽ đối xử bình đẳng đối với các công ty nước ngoài, theo nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư vào Trung Quốc một cách tự tin và yên tâm.

 

Trong nhiều năm, các công ty phương Tây đã phàn nàn về khả năng tiếp cận thiếu bình đẳng tại Trung Quốc, một thị trường tiêu dùng rộng lớn và cũng là nhà cung cấp nguyên liệu thô và linh kiện toàn cầu. Một số doanh nghiệp đã cân nhắc "giảm rủi ro" về chuỗi cung ứng và chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc.

Trong năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 8%. Căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là với Mỹ đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Trước tình hình trên, Trung Quốc nỗ lực xoa dịu mối lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài, cam kết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp này và mở rộng hơn nữa việc thâm nhập vào thị trường.

Bà Guo cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa các lĩnh vực công nghiệp và tài chính cấp cao, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội thị trường hơn và bảo vệ vững chắc hệ thống thương mại đa phương lấy quy định của WTO làm nền tảng cốt lõi.

Ngày 24/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và chào đón các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào nước này.

Hơn 100 giám đốc điều hành và nhà đầu tư nước ngoài đã tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc thường niên diễn ra ngày 24-25/3,trong đó có những doanh nghiệp lớn như Apple và Siemens.

Phát biểu tại diễn đàn ngày 25/3, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, ông Kim Tráng Long, cho biết Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực sản xuất và tăng cường hợp tác sâu rộng với các công ty từ tất cả các quốc gia.

Để tăng cường khả năng tự lực của ngành công nghiệp, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tuyên bố sẽ nâng cấp chuỗi cung ứng sản xuất của nước này thông qua đổi mới và cũng thông qua năng lực chuyên môn của các công ty nước ngoài.

Ông Kim Tráng Long cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập sâu rộng của đổi mới công nghệ và khoa học, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập các trung tâm R&D”.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay và cam kết sẽ chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước để giảm thiểu những lực cản từ cuộc khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Ngày 24/3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết Trung Quốc đang đứng trước việc lựa chọn hoặc dựa vào các chính sách đã có hiệu quả trong quá khứ hoặc làm mới mình để hướng tới một kỷ nguyên mới về tăng trưởng chất lượng cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục