Trung Quốc cam kết tăng gấp đôi thu nhập người dân

05:28' - 12/03/2016
BNEWS Chính phủ Trung Quốc có đầy đủ các kế hoạch đầy tham vọng và cam kết sẽ tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người và tạo ra khoảng 50 triệu việc làm trong nước.
Trung Quốc cam kết tăng gấp đôi thu nhập người dân. Ảnh: febc

Báo Độc lập (Nga) số ra ngày 10/3 có bài viết rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trên đà chậm lại và cho thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô đáng báo động.

Tuy vậy, Chính phủ Trung Quốc vẫn có đầy đủ các kế hoạch đầy tham vọng và cam kết sẽ tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người và tạo ra khoảng 50 triệu việc làm trong nước.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn nhà phân tích thuộc sàn chứng khoán Nikko , Sihiro Ohta phân tích: “Các số liệu ngoại thương của Trung Quốc tạo nên một cơn địa chấn, theo đánh giá của các nhà đầu tư trên thế giới”.

Trong tháng 2/2016, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã giảm còn 32,59 tỷ USD so với mức kỷ lục 63,3 tỷ USD trong tháng 1/2016.

Kim ngạch thương mại giảm cho thấy tình trạng sụt giảm sản xuất công nghiệp trong nước. Trong tháng 2/2016, Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 48 điểm thấp hơn mức 48,4 điểm tháng 1/2016.

Chỉ số này đã suy giảm 10 tháng liên tiếp và là mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009, cho thấy sự suy thoái đang diễn ra trong ngành công nghiệp Trung Quốc.

Sau công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng đang bắt đầu chậm lại. Trong tháng 2/2016, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn 50 điểm.

Tuy nhiên, dấu hiệu chậm lại là rõ ràng: chỉ số này đã giảm từ 52,4 điểm tháng Một còn 51,2 điểm tháng Hai.

Một vấn đề nữa là Trung Quốc đang có mức nợ khá cao. Theo các nhà kinh tế thế giới, tình hình sẽ không tiến triển trong năm nay.

Trước đó, Moody’s đã hạ xếp hạng dự báo chỉ số tín dụng của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.

Theo Moody’s, nợ công của Trung Quốc tăng lên tới 40,6% GDP so với 32,5% năm 2012 và có thể đạt 43% trong năm 2017.

Trong số những lý do chính để các nhà phân tích hạ mức dự báo là sự suy giảm của các chỉ số tài chính liên quan đến các khoản nợ công đang ngày càng tăng, cũng như sự thiếu tin tưởng vào việc các cơ quan chức năng có thể tiến hành cải cách thành công.

Bất chấp các chỉ số kinh tế vĩ mô xấu đi, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn có những kế hoạch đầy tham vọng trong 5 năm tiếp theo. Các mục tiêu chính giai đoạn 2016-2020 là “xây dựng một xã hội khá giả”.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020 tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người từ thành thị tới nông thôn so với mức năm 2010.

Điều này có nghĩa là tăng trưởng trung bình hàng năm của kinh tế Trung Quốc giai đoạn 5 năm lần thứ 13 này phải không dưới 6,5%. Chỉ có như vậy đến năm 2020, GDP của nền kinh tế Trung Quốc mới vượt mức 90.000 tỷ NDT.

Cũng trong kế hoạch trên, Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng tỷ lệ dân số thành thị. Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch tạo mới khoảng 50 triệu việc làm ở các thành phố và thị trấn trong 5 năm tới.

Thêm vào đó, trong giai đoạn 5 năm lần thứ 13 này, Trung Quốc phải xây dựng hệ thống đường sắt với tổng chiều dài 30.000 km, đồng thời, mạng lưới của hệ thống này bao phủ hơn 80% các thành phố lớn.

Đến năm 2020, hệ thống đường sắt này sẽ được đưa vào hoạt động mới và xây dựng lại hệ thống quốc lộ cao tốc cũng với tổng chiều dài gần 30.000km.

Các chuyên gia Báo Độc lập khẳng định vấn đề chính đối với Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là nhanh chóng "hạ nhiệt" nền kinh tế.

Phó Chủ tịch ngân hàng Loko, Andrey Lyukshin nhận định nếu các yếu tố tiêu cực hiện nay vẫn tiếp tục duy trì, GDP Trung Quốc vẫn có thể đạt mức 6,5%, song để đạt được “phép lạ Trung Quốc” thì con số này là chưa đủ.

Các mức phúc lợi xã hội Trung Quốc được đề ra dựa trên các chỉ số tăng trưởng bùng nổ đã thu hút đầu tư. Theo quan chức trên, mỗi phần trăm GDP mất đi đồng nghĩa với việc mất nhiều tỷ USD từ các nguồn vốn đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục