Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để bình ổn giá cả

15:25' - 22/08/2022
BNEWS Các quan chức và nhà phân tích cho biết Trung Quốc có khả năng giữ giá chung trong phạm vi hợp lý, bất chấp sức ép lạm phát tăng cao trên thế giới và biến động giá lương thực trong thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 của Trung Quốc, một thước đo chính của lạm phát, đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy, đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Fu Linghui, một quan chức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), cho biết trong giai đoạn tiếp theo, người tiêu dùng sẽ vẫn phải đổi mặt với áp lực giá tăng, song Trung Quốc vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để ổn định giá chung.

*Nguồn cung ổn định

Ông Fu cho biết nguồn cung cho thị trường trong nước dồi dào nhờ thu hoạch lúa sớm trong năm nay và nhiều năm vụ mùa bội thu. Trung Quốc đã cố gắng đảm bảo đủ nguồn cung ngũ cốc để kiềm chế lạm phát lương thực, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI.

 
Nước này đã chứng kiến sản lượng ngũ cốc vụ Hè tăng 1,435 triệu tấn trong năm nay và đã thu hoạch hơn 60% lượng lúa sớm, báo hiệu một vụ thu hoạch bội thu trong cả năm. Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo sản lượng ngũ cốc vụ Thu, chiếm 75% tổng sản lượng hàng năm.

Ông Fu cho hay bất chấp tác động của thời tiết cực nóng và thiên tai lũ lụt, diện tích gieo trồng vụ Thu của Trung Quốc vẫn tăng trong năm nay. Hiện tốc độ phát triển/tăng trưởng của cây ngô, lúa giữa vụ, đậu tương và các loại cây trồng chính khác của vụ Thu cũng giống như năm 2021.

Guo Liyan, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, cho biết sau khi trải qua nhiều đợt dịch và thời tiết khắc nghiệt, Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ nguồn cung các mặt hàng sinh kế quan trọng, qua đó gia tăng niềm tin vào sự ổn định giá cả chung.

*“Tường lửa” cho sức ép lạm phát

Theo ông Guo, trong nửa đầu năm, nhiều nền kinh tế lớn đã chứng kiến lạm phát chạm mức cao nhất trong 40 năm, gây ra những quan ngại về sức ép cho người dân. Tuy nhiên, những tác động này đối với giá tiêu dùng của Trung Quốc là "hạn chế".

Ông Fu nêu quan điểm rằng sức ép lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt do sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế lớn và giá hàng hóa trên toàn cầu giảm.

Trước những biến động của giá năng lượng quốc tế, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đảm bảo công suất và bình ổn giá cả, dựng bức tường lửa trước những rủi ro từ bên ngoài.

Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó có biện pháp điều chỉnh để giảm bớt sự mất cân bằng cung-cầu, tăng cường các quy định thị trường và kiềm chế giá giảm sâu để ổn định giá cả hàng hóa.  Năng lực sản xuất năng lượng cũng đã được cải thiện.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nhờ những nỗ lực này, Trung Quốc hiện có nguồn dự trữ và nguồn cung năng lượng dồi dào, dù cho còn một số khu vực có nguồn cung tương đối khan hiếm trong giờ cao điểm do kinh tế phục hồi nhanh chóng và nhiệt độ cao liên tục.

Số liệu của NBS cho thấy trong tháng 7/2022, sản lượng than đá thô đã tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021 lên 370 triệu tấn.

*Chính sách tiền tệ thận trọng

Ông Fu Linghui cho biết ngoài nỗ lực ổn định giá hàng hóa và thực phẩm, Chính phủ Trung Quốc không đưa bất kỳ chính sách liên quan đến tiền tệ nào nhằm ngăn chặn giá tăng, cũng như tuân thủ cam kết không sử dụng biện pháp kích thích.

Một báo cáo cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuần trước cho biết nước này có khả năng đạt được mục tiêu lạm phát cả năm ở mức khoảng 3%, nhờ chính sách tiền tệ ổn định, tỷ lệ tự cung tự cấp thực phẩm cao và các yếu tố khác.

Trong tương lai, PBoC cho biết sẽ chú ý đến những thay đổi giá cả trong và ngoài nước và tuân thủ cách tiếp cận thận trọng trong chính sách tiền tệ của mình.

Đối với nửa cuối năm 2022, mặc dù giá cả có thể tăng trong một vài tháng, song "Trung Quốc có điều kiện để giữ giá cả nói chung ổn định trong cả năm"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục