Trung Quốc có thể lãnh đạo thế giới thông qua chiến lược chống biến đổi khí hậu?

05:30' - 29/07/2017
BNEWS Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Trung Quốc ngay lập tức khẳng định với cộng đồng quốc tế về cam kết của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc có thể lãnh đạo thế giới thông qua chiến lược chống biến đổi khí hậu? Ảnh: Reuters

Trang mạng "chinausfocus.com" mới đây đăng bài phân tích của ông Rui Wang, Phó Giáo sư thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), về chiến lược chống biến đổi khí hậu của Trung Quốc sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Tuyên bố chung về vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó hai bên cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều người cho rằng quan hệ đối tác giữa hai nước đã mở đường cho Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015. Tuy nhiên, Chính quyền Donald Trump đã bác bỏ nguyên nhân con người gây ra biến đổi khí hậu và rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trung Quốc ngay lập tức khẳng định với cộng đồng quốc tế về cam kết của họ đối với Hiệp định Paris nhưng nhiều người chưa chắc chắn liệu Trung Quốc có duy trì vai trò lãnh đạo trong chống biến đổi khí hậu do việc giảm khí thải đồng nghĩa với giảm tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu kỹ hơn về kế hoạch của Trung Quốc hé lộ một bức tranh khác.

Trung Quốc đã khẳng định lịch trình khởi động thị trường kinh doanh hạn ngạch lượng khí thải cắt giảm ("cap and trade") lớn nhất thế giới vào năm 2017. Điều này được kỳ vọng là hạ thấp giá thành của việc giảm khí thải khi Trung Quốc cố gắng hoàn thành cam kết Paris vào năm 2030.

Trái với những hiểu biết thông thường, việc cắt giảm khí thải nhìn chung là phù hợp với chương trình nghị sự đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Nếu không có đột phá về công nghệ hoặc sự xáo trộn về chính trị thì Trung Quốc khó mà dừng kế hoạch này. Trung Quốc phải đối mặt với những áp lực trong nước về việc làm sạch không khí và nguồn nước.

Mặc dù, nền kinh tế đang chững lại, Trung Quốc vẫn vượt qua Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới năm ngoái. Bên cạnh các lợi ích về chính trị và an ninh năng lượng, thị trường khí thải cũng sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa khử carbon và sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc nhằm hướng tới nền công nghiệp xanh.

Trên thực tế, trong 15 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào các nguồn công nghệ năng lượng mới như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Xây dựng một thị trường khí thải tốt có thể giúp đạt được mục tiêu môi trường, an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Ngoài lợi ích kinh tế và chính trị, vai trò lãnh đạo toàn cầu bị bỏ trống bởi quan điểm chính sách của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra cơ hội cho Trung Quốc chứng tỏ bản thân với tư cách là một đối tác bền vững đối với thế giới. Khi Trung Quốc thực hiện các cam kết về khí hậu của họ,

EU sẽ tiếp tục hỗ trợ về tài chính và công nghệ để Trung Quốc phát triển nền công nghiệp xanh. Quan trọng hơn, sự phối hợp quốc tế về công nghệ môi trường và công nghiệp xanh có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu về thị trường và nguồn năng lượng.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã gây ra nỗi thất vọng lớn. Ảnh: Reuters

"Quỹ hợp tác khí hậu Nam - Nam" trị giá 3,1 tỷ USD mà Trung Quốc thông báo đóng góp cho việc ngăn chặn biến đổi khí hậu vào năm 2015 đã giúp Trung Quốc có tiếng nói trung tâm đối với các nước đang phát triển.

Sáng kiến "Vành đai, con đường" đánh dấu tham vọng của Tập Cận Bình về những lợi ích tiềm năng từ việc huy động cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư trên toàn Âu - Á và châu Phi.

Hoạt động kinh doanh hạn ngạch lượng khí thải cắt giảm của Trung Quốc sẽ thành công thế nào còn gây tranh cãi bởi sự không chắc chắn trong ý chí chính trị của giới lãnh đạo Trung Quốc và những thách thức về công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc luôn đặt tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu kể từ những năm 1980.

Từ hai Kế hoạch 5 năm gần đây cho đến Hiệp định Copenhagen và Hiệp định Paris, những cam kết của Trung Quốc nhằm giảm lượng khí thải đều được định nghĩa có liên quan tới GDP - giảm lượng khí thải trên mỗi đơn vị GDP.

Bởi thế có thể cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đặt hạn mức khí thải theo cách không làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế. Đối với các quan chức địa phương, mục tiêu tăng trưởng GDP là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành bảy cuộc thăm dò khí thải cấp địa phương, song việc xây dựng thị trường khí thải còn rất khó khăn, đặc biệt là khi hầu hết các cuộc thăm dò đều diễn ra tại các địa phương phát triển của Trung Quốc.

Hệ thống thử nghiệm tại địa phương cho thấy nhiều vấn đề khó khăn. Thu thập thông tin cơ bản từ các tỉnh và địa phương đặc biệt khó khăn, tạo ra rào cản đối với việc mở rộng thăm dò trên toàn quốc.

Những thách thức này có thể khiến quy mô thị trường khí thải giảm từ 8 lĩnh vực kinh tế xuống chỉ còn 3-4 lĩnh vực (năng lượng, xi măng, nhôm và hàng không) trong giai đoạn đầu. Việc giảm quy mô khiến việc xây dựng thị trường khí thải toàn quốc dễ dàng hơn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngại.

Không giống như việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường vốn chịu áp lực từ công chúng, thị trường khí thải hầu như ít nhận được sự quan tâm hơn. Không có cơ chế khuyến khích phù hợp, Chính phủ Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thu thập thông tin.

Các quy định liên quan việc sử dụng lợi nhuận có được sẽ cần phải phân chia rất thận trọng và theo lộ trình để phù hợp với bối cảnh ở Trung Quốc.

Tuy rằng EU ủng hộ nhiệt tình cho thị trường khí thải ở Trung Quốc nhưng những xung đột về thương mại tiềm tàng giữa Trung Quốc với Mỹ hoặc EU chắc chắn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc trong việc xây dựng thị trường này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục