Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 ​

14:27' - 03/04/2024
BNEWS GDP của Trung Quốc ước tính vượt Mỹ, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 và triển vọng tăng trưởng hứa hẹn của Trung Quốc sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Đây là báo cáo của một nhóm các học giả từ năm quốc gia là Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc được công bố tại một hội thảo quốc tế vừa qua.

 

Theo các nhà phân tích trong và ngoài nước, Trung Quốc sẽ duy trì động lực tăng trưởng ổn định và đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2024, trong khi giải quyết các thách thức một cách thận trọng.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035.

Dự báo trên được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhanh hơn Mỹ cũng như việc đồng nhân dân tệ không ngừng lên giá và ngày càng được quốc tế hóa, và có triển vọng tăng giá trong dài hạn so với đồng USD.

Theo báo cáo, các quốc gia đang phát triển sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và tốc độ tăng trưởng cao của các nước này có thể giúp GDP toàn cầu tăng gấp đôi trong thập kỷ tới. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024, vượt so với dự báo của một số tổ chức quốc tế. Trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, vượt mục tiêu đề ra là 5%.

Nhà nghiên cứu John Ross tại Viện nghiên cứu tài chính Chongyang tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2024. Theo ông Ross, đầu tư của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với Mỹ, khi đầu tư 40% GDP sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 5%.

Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ gần như vượt Mỹ và Liên minh châu Âu, dựa trên số liệu của năm ngoái và Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu như trong 40 năm qua.

Nhà nghiên cứu Marco Fernandes của Viện nghiên cứu xã hội Tricontinental cho rằng Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn hơn tính theo sức mua bìnhquân đầu người và rất có thể vượt Mỹ về GDP tính theo đồng USD.

Ông Fernandes nói kinh tế Trung Quốc đối mặt với những thách thức phía trước như tình trạng vượt công suất và việc chuyển từ mô hình dựa nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bất động sản sang mô hình dựa nhiều hơn vào công nghệ cao. Theo ông, mặc dù một số thách thức trong một số lĩnh vực đã tồn tại trong năm qua, Trung Quốc có nhiều công cụ để ứng phó hơn so với phương Tây.

Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng chú ý trong phát triển kinh tế, xã hội chất lượng cao trong những năm gần đây. Động lực hiện đại hóa của Trung Quốc tập trung vào việc thực hiện các sáng kiến dựa vào đổi mới, đẩy mạnh cải cách và tăng cường mở cửa, xúc tiến phát triển xanh.

Báo cáo cho rằng tầm nhìn dài hạn sẽ đạt được nếu Trung Quốc từng bước hướng tới phát triển chất lượng cao cũng như tìm kiếm và phát triển các lực lượng sản xuất mới và tiếp tục các ưu tiên chính sách. Theo Báo cáo công tác chính phủ, để phát triển các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ nỗ lực hiện đại hóa mạng lưới công nghiệp và phát triển các lực lượng sản xuất mới với tốc độ nhanh hơn.

Giáo sư Radhika Desai tại Bộ phận nghiên cứu chính trị và là Giám đốc Nhóm nghiên cứu kinh tế địa chính trị, Đại học Manitoba, Canada, cho rằng các nhà quan sát tại Trung Quốc và nước ngoài nhất trí rằng Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên mới của quá trình chuyển đổi cơ cấu.

Bà Desai đánh giá Trung Quốc vẫn dành ưu tiên lớn cho tiêu dùng. Sự gia tăng về tiêu dùng luôn dựa trên tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư lớn và điều này sẽ vẫn đúng trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục