Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về thủy sản, nông sản

15:26' - 23/05/2018
BNEWS Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về thủy sản (cá basa, tôm) nông sản (hạt điều, tiêu, thanh long...).

Việt Nam - Trung Quốc có tiềm năng lớn trong hợp tác thương mại và đầu tư, đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo và giao lưu thương mại Việt Nam - Trung Quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI – HCM) phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Ngoại thương Trung Quốc tổ chức ngày 23/5.

 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI - HCM cho biết, Việt Nam - Trung Quốc có quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư. Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN của Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2017 đã đạt hơn 93,6 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2016 và chiếm 22% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,4 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc là 58,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm trước.

Ông Vi Tích Thần, Tham tán Thương mại, Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Theo ông Võ Tân Thành, trước đây Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, thời gian gần đây nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nên trị giá nhập siêu có xu hướng giảm dần. Năm 2016, Việt Nam nhập siêu 28 tỷ USD, năm 2017 nhập siêu còn 22,7 tỷ USD, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời có sự tương đồng về văn hóa và tập quán tiêu dùng nên luôn là thị trường thương mại lớn nhất và nhiều tiềm năng nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc được dự báo sẽ vượt mức 100 tỷ USD.

Về đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam ở một số lĩnh vực như dệt may, khai thác chế biến khoáng sản. Năm 2017, Trung Quốc đầu tư 284 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn 83 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD.

Ông Vi Tích Thần, Tham tán Kinh tế, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam – Trung Quốc có nhiều tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Việt Nam – Trung Quốc đang là những đối tác thương mại lớn của nhau nhưng vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh trao đổi các mặt hàng mà Trung Quốc có nhu cầu còn Việt Nam có thế mạnh.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI - HCM, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Theo ông Vi Tích Thần, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về thủy sản (cá basa, tôm) nông sản (hạt điều, tiêu, thanh long...). Với chính sách mở rộng thương mại, Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, có doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị độc đáo và khả năng cạnh tranh cao.

Về đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác trong ngành dệt may, gia công chế biến thủy sản, nông sản để xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam - Trung Quốc cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất, khai thác khoáng sản, tài chính, du lịch. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc có kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý còn Việt Nam có lợi thế nhân công lao động và nguồn tài nguyên phong phú.

Ở góc độ hợp tác địa phương, ông Liu Xiaojiang, Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Ngoại thương Trung Quốc cho biết, các địa phương của Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đang tiến hành ký kết hợp tác với các địa phương Việt Nam có mặt hàng xuất khẩu lớn vào Trung Quốc như: Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Tháp... nhằm liên kết chặt chẽ hơn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu các rủi ro từ việc trao đổi thương mại theo đường tiểu ngạch.

Các chuyên gia Trung Quốc cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Trung Quốc cần tìm hiểu kỹ thông tin đối tác, nhu cầu thị trường thông qua các cơ quan đại diện thương mại để hạn chế các trường hợp doanh nghiệp làm ăn không chân chính tự ý hủy bỏ giao kèo hay thu mua các sản phẩm theo phong trào, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác thương mại giữa hai quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục