Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô

18:25' - 26/02/2024
BNEWS Trung Quốc đã tăng nhanh hoạt động mua dầu thô từ khắp nơi trên thế giới kể từ kỳ nghỉ lễ hồi giữa tháng Hai, cũng như tăng nguồn cung theo kỳ hạn từ Saudi Arabia cho tháng 3/2024.
Triển vọng của thị trường dầu mỏ Trung Quốc có vẻ tươi sáng hơn sau khi hoạt động du lịch bùng nổ trong dịp Tết Nguyên đán, làm dấy lên hy vọng về khả năng phục hồi nhu cầu bền vững hơn tại thị trường tỷ dân này.

Theo các thương nhân, Trung Quốc đã tăng nhanh hoạt động mua dầu thô từ khắp nơi trên thế giới kể từ kỳ nghỉ lễ hồi giữa tháng Hai, cũng như tăng nguồn cung theo kỳ hạn từ Saudi Arabia cho tháng 3/2024. Trong khi khối lượng mua ổn định so với tháng trước, các thương nhân cho biết hoạt động đặt mua này lại được thực hiện trước giai đoạn các nhà máy lọc dầu bảo trì và giảm nhập khẩu.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects Ltd. đánh giá, một số nhà máy lọc dầu có thể tăng công suất hoạt động hoặc hoãn kế hoạch bảo trì do nhu cầu năng lượng tăng cao sau khi hoạt động đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay cao hơn dự kiến.

 

Tết Nguyên đán là thời điểm then chốt đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi nước này mở cửa trở lại hơn một năm trước. Năm nay, du lịch và chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ này đã vượt quá mức trước đại dịch bất chấp căng thẳng tài chính đè nặng lên các hộ gia đình. Đối với các nhà máy lọc dầu thô, điều đó có nghĩa là nhu cầu về nhiên liệu như xăng được cải thiện.

Đây là tin tức đáng hoan nghênh đối với các thị trường dầu mỏ, vốn đã đặt cược vào triển vọng mức tiêu thụ của Trung Quốc sẽ yếu hơn trong năm nay. Hơn nữa, các giao dịch mua đang được thực hiện ngay cả khi các nhà máy lọc dầu đã lên kế hoạch tạm dừng bảo trì lâu hơn bình thường, điều này sẽ khiến tốc độ vận hành tăng cao tại các nhà máy không bị ảnh hưởng.

Theo dự báo từ công ty dữ liệu thị trường Mysteel OilChem, công suất lọc dầu dự kiến bị ngừng hoạt động vào năm 2024 tại Trung Quốc sẽ tăng 18% lên mức cao nhất trong 3 năm. Hầu hết việc ngừng hoạt động đó sẽ diễn ra trong quý II và quý IV/2024, trong khi phần lớn lượng dầu thô mua trong tháng này sẽ đến vào tháng Năm.

Là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố trong dữ liệu về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể làm dịu đi phần nào tâm lý phấn khích về triển vọng đối với nhu cầu hàng hóa. Chẳng hạn, chi tiêu hàng ngày của mỗi du khách thấp hơn so với một số ngày lễ lớn khác kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty dầu mỏ Mỹ Occidental, bà Vicki Hollub nhận định thị trường dầu sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm 2025, vì thế giới không thể thay thế kịp lượng dầu thô dự trữ hiện tại.

Bà Hollub cho biết khoảng 97% lượng dầu được sản xuất hiện nay được phát hiện trong thế kỷ 20. Và thế giới đã thay thế chưa đến 50% lượng dầu thô được sản xuất trong 10 năm qua. Vì vậy, chuyên gia này dự đoán thị trường dầu sẽ rất thiếu nguồn cung trong vài năm nữa.

Bà Hollub cho biết hiện tại, thị trường “vàng đen” đang dư thừa nguồn cung. Tình trạng này đã kiềm chế giá dầu bất chấp tình hình xung đột tại Trung Đông. Mỹ, Brazil (Bra-xin), Canada (Ca-na-đa) và Guyana (Guy-a-na) đã nâng sản lượng dầu lên các mức cao kỷ lục trong khi nhu cầu chậm lại do sự suy yếu kinh tế ở Trung Quốc.

Nhưng theo bà, triển vọng cung cầu trên thị trường dầu sẽ đảo chiều vào cuối năm 2025. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2025, vượt mức tăng sản lượng ngoài OPEC 1,3 triệu thùng/ngày. Theo dự đoán này, thị trường dầu sẽ bị thâm hụt nguồn cung, trừ khi OPEC bỏ chính sách cắt giảm sản lượng hiện tại và gia tăng nguồn cung. 

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent đã giảm hơn 10% trong năm 2023, do sản lượng cao kỷ lục ở Mỹ và nền kinh tế suy yếu ở Trung Quốc đã đè nặng lên giá dầu. Bước sang năm 2024, từ đầu năm đến nay, giá hai loại dầu trên đã tăng hơn 1%. Hồi tháng 12/2023, bà Hollub phát biểu với CNBC rằng Occidental dự đoán giá dầu WTI trung bình sẽ ở mức khoảng 80 USD trong năm 2024.

Trước đó, một số cơ quan năng lượng đã đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu cho năm 2024 và có sự đồng thuận là nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cao vào năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thường nghiêng về khả năng giá giảm khi đưa ra dự đoán về nhu cầu dầu và giá dầu. Nhưng cơ quan này đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 từ 850.000 thùng/ngày vào tháng 5/2023 lên mức dự báo hiện tại là 1,2 triệu thùng/ngày.

Còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) có xu hướng lạc quan hơn. EIA đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 từ mức 1,7 triệu thùng/ngày đưa ra vào tháng 1/2023 xuống còn 1,35 triệu thùng/ngày. Còn ngân hàng Standard Chartered gần như vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu ở mức 1,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, cơ quan thông tin năng lượng Energy Intelligence dự đoán nhu cầu toàn cầu vào năm 2024 sẽ chỉ ở mức 1,1 triệu thùng/ngày, mức tăng trưởng điển hình của thời kỳ tiền đại dịch COVID-19. Theo Energy Intelligence, mức tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đạt 1,5 triệu thùng/ngày sẽ đủ để bù đắp cho sự tăng trưởng nhu cầu ngay cả khi nó gây bất ngờ cho thị trường. Trên thực tế, điều này có nghĩa là OPEC+ sẽ có rất ít cơ hội để dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng nếu những con số này trở thành hiện thực.

Theo Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) do EIA công bố hồi tháng 1/2024, sản lượng dầu thô của nước này sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 2 năm tới, song tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại do sự sụt giảm hoạt động của các giàn khoan.

Báo cáo STEO dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 290.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 13,21 triệu thùng/ngày vào năm 2024. EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ giảm 620.000 thùng/ngày, xuống còn 36,44 triệu thùng/ngày vào năm 2025, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là 40,2 triệu thùng/ngày trước thời kỳ đại dịch COVID-19.

Mặc dù sản lượng của Mỹ dự kiến sẽ tăng cao vào năm 2024 và 2025, song tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại so với mức tăng 1 triệu thùng/ngày của năm 2023 do sự sụt giảm hoạt động của các giàn khoan.

EIA dự báo giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức trung bình 82 USD/thùng vào năm 2024 và 79 USD/thùng vào năm 2025, gần với mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng. Cơ quan này cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ hạn chế sản xuất để ngăn giá giảm, song dự đoán sản lượng toàn cầu sẽ vượt mức tiêu thụ vào giữa năm 2025 và tồn kho xăng dầu sẽ tăng.

EIA cảnh báo căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đẩy giá dầu lên cao.

Ngoài ra, EIA dự kiến mức tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu sẽ ở mức 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, thấp hơn mức tăng trưởng 1,9 triệu thùng/ngày của năm 2023, do nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục