Trung Quốc giảm lãi suất cho vay chủ chốt lần 2 kể từ đầu năm 2020

15:23' - 20/04/2020
BNEWS Toàn bộ 52 chuyên gia được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đều dự đoán Trung Quốc sẽ giảm lãi suất LPR trong đợt điều chỉnh hàng tháng.

Trung Quốc ngày 20/4 đã giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm từ 4,05% xuống còn 3,85% và lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm từ 4,75% xuống còn 4,65%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm 2020 đến nay của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thực hiện động thái trên nhằm giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế trong nước – đã sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua (ít nhất là từ năm 1992) do các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Toàn bộ 52 chuyên gia được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đều dự đoán Trung Quốc sẽ giảm lãi suất LPR trong đợt điều chỉnh hàng tháng.

Hầu hết ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm khoảng 20 điểm cơ bản trong khi giảm lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm khoảng 5-10 điểm cơ bản khi Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát giá nhà đất trong nước.

Theo nhà kinh tế thị trường Xing Zhaopeng của chi nhánh ANZ tại Thượng Hải, động thái trên cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát giá nhà đất trong nước và có vẻ không nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước thậm chí là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Kinh tế Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và nước này phải áp dụng lệnh phong tỏa, đóng cửa các nhà máy và cửa hàng, khiến hàng triệu lao động mất việc làm.

Theo các nhà phân tích, trong khi Trung Quốc đang tái khởi động các động lực của nền kinh tế nước này, các hoạt động kinh tế ở nước này có thể sẽ mất vài tháng để có thể khôi phục trở lại mức trước khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 xảy ra, chưa kể tác động tiềm ẩn của nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Theo nhà kinh tế cao cấp Jacqueline Rong của chi nhánh BNP Paribas tại Bắc Kinh, việc Trung Quốc giảm lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm là “một sự nới lỏng nghịch chu kỳ” ở thị trường nhà đất Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng cho rằng lĩnh vực bất động sản lâu nay là động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và khi nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với sức ép suy giảm lớn như hiện nay thì cho dù dịch COVID-19 không xảy ra thì Trung Quốc có thể vẫn phải giảm lãi suất cho vay đối với thị trường nhà đất.

Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc không thể thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế "mạnh tay" hơn trong thời điểm hiện nay do các nhà hoạch định chính sách quan ngại về nguy cơ nợ tăng nhanh cùng với những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước./.

>>IMF dự báo thời điểm kinh tế Trung Quốc phục hồi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục